NHỮNG ĐỨA TRẺ
THIẾU HỤT
Mình là một giáo viên tiểu học. Đây là năm thứ 20 mình gắn bó với nghề giáo. Mình yêu thích công việc này, yêu những lứa học sinh mình đào tạo, dạy dỗ. Mình thích nhìn chúng lớn lên từng ngày, dõi theo từng chuyển biến của chúng về học tập, về sự thay đổi tâm lý lứa tuổi và trưởng thành trong suy nghĩ, giống như mình đang đồng hành cùng với con mình vậy.
Mỗi một lớp học như một xã hội thu nhỏ, sẽ luôn có những đứa trẻ hiền lành, nhút nhát; có những đứa trẻ vui vẻ, năng nổ, lí lắc và có cả những đứa trẻ khôn lanh, “cáo già” so với tuổi. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sống động và nhiều màu sắc. Tuy vậy trong bức tranh ấy luôn luôn có những mảng màu trầm buồn mang tên “NHỮNG ĐỨA TRẺ THIẾU HỤT”.
Bài viết này mình chia sẻ dựa trên góc nhìn của bản thân và những gì đúc kết được trong quá trình đi dạy suốt 20 năm qua. Vậy “NHỮNG ĐỨA TRẺ THIẾU HỤT” là ai? Điểm chung của những đứa trẻ này là gì? Biểu hiện của chúng như thế nào? Vì sao chúng lại như thế và cách mình đã giải quyết ra sao? Phần dưới đây, mình sẽ đề cập cụ thể và nêu một vài ví dụ điển hình.
Điểm chung thứ nhất: Luôn nhút nhát, không dám bày tỏ ý kiến cá nhân:
Biểu hiện:
Chúng sẽ rất sợ bị người khác hỏi đến và thường thu mình lại. Trong các hoạt động tập thể hoặc những khi thảo luận nhóm, chúng sẽ chỉ ngồi quan sát các thành viên khác làm việc, nếu có làm thì đó là do nhóm trưởng phân công. Khi được hỏi có ý kiến gì không, chúng sẽ ậm ừ và im lặng hoặc trả lời là không có ý kiến gì cả. Điều này đôi khi làm cho các thành viên khác bực mình và có những lời nói không hay dành cho chúng. Thế là chúng lại càng trở nên nhút nhát hơn.
Nguyên nhân:
Khi sống trong môi trường gia đình, từ lúc còn nhỏ, mỗi khi chúng làm gì sai thì đều bị la mắng. Mỗi khi chúng phát ngôn những câu nói bộc phát thì được người thân đánh giá là “nói năng kì cục, suy nghĩ gì mà lạ lùng”, thậm chí la mắng chúng trước mặt những người xung quanh. Điều này dần khiến cho chúng không dám làm bất cứ điều gì cả vì sợ bị đánh giá, bị chê trách.
Ví dụ:
Năm 2017, lớp mình có một bạn gái tên V. Con rất hiền lành, lễ phép, dễ thương và trắng trẻo. Thế nhưng con lại vô cùng nhút nhát. Trong các giờ học, con không bao giờ phát biểu gì cả. Trừ khi mình phải gọi tên con thì con mới đứng lên phát biểu. Nhưng khi phát biểu thì cứ ngập ngừng, ấp a, ấp úng. Mình quan sát thấy mỗi khi con trả lời mình xong, khi ngồi xuống, con sẽ bứt bứt vài sợi tóc ở đỉnh đầu. Mình tiếp tục theo dõi trong các giờ học của những giáo viên khác, con cũng có những biểu hiện tương tự. Thế là mình trao đổi ngay với mẹ. Thì ra, ở nhà cả con và mẹ đều bị bạo hành từ cha. Mỗi lần mẹ con có ý kiến gì mà không vừa ý thì sẽ bị cha cho một cái bộp tai. Cha phụ trách việc dạy con học, mỗi khi cha dạy là nạt nộ, quát tháo bất cứ câu gì con nói ra. Và đến khi ấy, mình mới hiểu người cha đang bị một dạng tổn thương tâm lý trong quá khứ và dùng chính tổn thương đó trút lên đứa con của mình. Vì thế, con rất sợ việc phải trình bày ý kiến cá nhân với một ai đó huống chi là trước tập thể. Và cách giúp con vượt qua sự sợ hãi và căng thẳng đó chính là… bứt tóc. Mẹ nói có đêm ngủ, sáng dậy, mẹ thấy trên gối con đầy tóc là tóc. Nhớ lại mà mình vẫn còn thấy rưng rưng.
Cách giải quyết:
Khi đã nắm được tình hình, mình bắt đầu tiếp cận con dần chứ không vồ vập. Tất nhiên, mình không thể thay đổi được tính khí của người cha rồi nên mình sẽ tác động lên con. Trong một tiết học, mình sẽ sắp xếp gọi con ít nhất 3 lần. Khi con trả lời đúng, mình đều khen ngợi và tuyên dương. Khi con trả lời sai, mình cảm ơn con vì đã trả lời và nói con ngồi xuống suy nghĩ thêm. Mỗi khi thảo luận nhóm, mình đi đến nhóm con và quan sát. Vì con vẽ khá đẹp và viết chữ cũng đẹp nên mình khuyên con phụ trách phần ghi chép và hình ảnh cho nhóm. Giờ ra chơi, mình sẽ hỏi thăm những điều bình thường nhất của con và tránh hỏi về cha của con. Và phải sau hơn 2 tháng, mình thấy tình trạng bứt tóc trên lớp của con không còn nữa. Con đã tự xung phong phát biểu và có ý kiến trong nhóm tuy chưa thường xuyên. Nhưng đối với mình đó là một sự nỗ lực lớn của con.
Điểm chung thứ hai: Luôn sợ mất mát.
Biểu hiện:
Chúng luôn có một sự lo lắng, bất an. Điều này thể hiện qua ánh mắt, qua cử chỉ của chúng khi gặp một tình huống có vấn đề. Vậy chúng sợ mất mát gì? Sợ mất bạn bè, sợ người khác buồn, sợ mình làm mất lòng người khác. Chúng thà bị bạn bè bắt nạt, bị thiệt thòi chứ không muốn mất người bạn đó.
Nguyên nhân:
Do chúng chỉ sống với cha hoặc mẹ, thiếu thốn tình yêu thương, chứng kiến việc cha hoặc mẹ phải đau khổ vì không hạnh phúc.
Ví dụ:
Năm học này, lớp mình có một bạn gái tên L. Tiếp tục lại là một học sinh nữ. Con có một nhóm bạn thân gồm 4 người. Nhóm này chơi với nhau từ cách đây 2 năm. Mình có nghe giáo viên chủ nhiệm cũ chia sẻ là nhóm này hay giận nhau lắm, rồi nghỉ chơi nữa. Nhóm trưởng là bạn H học khá giỏi và nhanh nhạy. Một hôm, L chạy đến chỗ mình và khóc nức nở nói rằng: “Nhóm không chơi với con vì lúc nãy ăn cơm xong con đi lên lớp trước. Bạn H còn trả lại hết điểm thưởng mà tụi con góp chung với nhau và còn nói con bị điên nữa.” Mình chờ con khóc xong nói con gọi bạn H lại giúp mình. Mình bất ngờ là con nói: “Cô gọi giùm con đi, con không dám gọi đâu, con sợ bạn giận và không chơi với con nữa.”
Cách giải quyết:
Mình nói L bình tĩnh lại, đi uống nước rồi về chỗ ngồi vì bấy giờ đã đến giờ học.
Mình biết bố mẹ L đã chia tay nhau, mỗi buổi chiều đi học về, bác con sẽ đón con về nhà mẹ chơi với mẹ và em rồi làm bài tập. Đến tối khoảng 9h, bố sẽ qua nhà mẹ đón con về nhà ngủ với bố để sáng mai đi học. Chưa bao giờ mình thấy bố mẹ đến đón con. Có những buổi chiều bác đến đón trễ, mình thấy con nhìn các bạn khác có bố mẹ đến đón, ánh mắt con buồn rười rượi và ẩn trong đó là một sự khao khát yêu thương khi thấy bố mẹ của các bạn đang ôm bạn đó vào lòng. Con vội vàng quay mắt đi. Những lúc như thế, mình thường đến hỏi han này kia, xoa đầu con để con quên đi.
Thế còn H? Vì nhà gần trường nên H sẽ tự đi bộ về, thỉnh thoảng sẽ được mẹ đến đón về. Mỗi khi đến đón, mẹ hay nhờ H chụp hình với các cô hoặc với các bạn. Những lúc đó, con chụp và mẹ cứ nhắc con để máy thế này, thế kia, để xa ra, tay che cam rồi, để hất điện thoại lên… và giọng mẹ thì luôn là sự ra lệnh. Mình thấy rất rõ ràng trong mắt con đó là một sự khó chịu. Khó chịu vì mẹ cứ nhắc hoài và khó chịu vì con bị la trước mặt các bạn. Chính những điều đó đã ảnh hưởng lên tính tình của con. Khi chơi với bạn, con luôn phải hơn bạn, bắt các bạn phục tùng mình và làm theo mình. Ai trái ý con sẽ cho ra khỏi nhóm. Và H – một đứa trẻ bị tổn thương tâm lý đang trút tổn thương của mình lên L – một đứa trẻ cũng đang tổn thương không kém.
Mình đã nói chuyện riêng với từng bạn. Với H, mình cho con tự giải thích về lý do con giận bạn và cho con xả cơn giận dữ ra. Mình cũng hỏi con với bạn giận nhau như vậy bao giờ chưa? Và con cũng nói rất nhiều lần vì bạn không làm theo qui định của con nên con giận bạn. Và mình chỉ chờ có thế liền nói ngay: Bạn đang rất buồn vì con giận bạn đó. Thế con có bao giờ cảm thấy buồn khi mình không làm theo ý người khác và bị họ giận chưa? Con đã ngập ngừng và nói về mẹ mình. Mình hỏi luôn là những lúc mẹ làm như thế, có bao giờ con nói với mẹ về cảm xúc của con chưa? Con đáp là con không dám nói vì sợ mẹ la. Mình đã nói: “Nếu con cảm thấy khó nói thì con hãy viết thư cho mẹ của con. Cô chắc chắn mẹ con sẽ hiểu được. Nếu con không nói thì làm sao mẹ con có thể hiểu được tâm trạng và cảm xúc của con như thế nào. Còn về bạn Lam, con cũng biết bạn đó chỉ ở với bố hoặc mẹ nên bạn ấy rất thiếu thốn tình cảm. Bạn ấy rất quý con và không muốn hai người giận nhau.”
Khi nói với L, mình cũng giải thích rằng bạn H không thật sự muốn làm điều đó. Tuy nhiên, mình đã nói chuyện với bố của L. Mình kể cho bố nghe những biểu hiện trên lớp của con, những nỗi buồn của con và cũng chia sẻ luôn với bố rằng nếu việc con không dám bày tỏ chính kiến của mình sẽ ảnh hưởng lớn đến con sau này. Con sẽ bị thiệt thòi hơn những bạn khác và thu hẹp mình lại trong những mối quan hệ. Bố đã cảm ơn mình vì từ trước đến giờ chưa cô giáo nào nói với bố về điều này cả và bố hứa sẽ hướng dẫn con thêm ở nhà.
Kết quả: sau 3 ngày, hai bạn đã chơi lại với nhau. Mình quan sát và thấy ở mỗi bạn đều có sự thay đổi tích cực.
Điểm chung thứ ba: Luôn làm người khác bực mình
Biểu hiện:
Chúng sẽ thường gây rối trong lớp, chọc ghẹo bạn bè, làm mất trật tự trong giờ học, dễ tức giận, hay nổi cáu, la hét, thường xuyên nói leo và hay cãi thầy cô.
Nguyên nhân:
Mình loại trừ nguyên nhân đó là những đứa trẻ vô lễ và hiếu động. Số còn lại chúng làm thế vì đó là cách chúng đang kêu gọi sự chú ý từ những người xung quanh dành cho mình. Bởi vì khi ở nhà, chúng không nhận được nhiều sự quan tâm từ cha mẹ.
Ví dụ:
Năm 2019, lớp mình có một bạn trai trên K. Bạn này thì học rất giỏi nhưng ôi thôi quậy kinh khủng, cọc tính dã man, sẵn sáng hét vào mặt người khác và thầy cô nào mà còn non tay nghề là bị bạn quay như chong chóng. Mỗi buổi chiều sẽ có cô giúp việc đến đón con về. Hôm đó, trong giờ học vẽ, cô yêu cầu vẽ về đề tài Mẹ em. Bạn ấy đã vẽ mẹ với khuôn mặt đang giận dữ và bên dưới là dòng chữ “Em ghét mẹ, em muốn giết mẹ!” Cô giáo nhận bài vẽ xong rất tức giận và la bạn là vẽ bậy bạ. Cô nói sẽ báo với GVCN là mình để mách với mẹ. Thế mà bạn ấy vẫn tỏ ra bình thường. Khi mình nhận bài vẽ từ tay cô giáo và qua những gì cô kể, mình cũng khá bất ngờ vì dòng chữ mà bạn thể hiện trong tranh. Nhưng với kinh nghiệm và trực giác của một người mẹ, mình biết bạn ấy đang có vấn đề với mẹ của mình. Lúc này thái độ của bạn ấy là đang sẵn sàng nghe mình mắng.
Cách giải quyết:
Lúc ấy, mình đã nói: “Đây là bức tranh đầu tiên mà cô nhìn thấy con vẽ về mẹ đó.” Bạn rất ngạc nhiên khi mình nói thế vì bạn nghĩ sẽ nhận từ mình một lời trách mắng. Mình hỏi tiếp: “Lúc này mẹ đang làm gì mà con vẽ gương mặt mẹ giận dữ thế?” Con chỉ im lặng, cúi đầu không đáp. Mình hỏi một vài câu nữa nhưng con vẫn không có ý muốn trả lời. Thế là mình nói: “Vậy khi nào có thể, con hãy chia sẻ cho cô biết về ý tưởng của bức tranh này nhé!” Nhưng bản thân mình lúc đó tò mò vô cùng, mình muốn hỏi cho ra lẽ vì một đứa trẻ khi có những suy nghĩ như vậy là rất nguy hiểm, tức là trong tâm hồn của chúng đang bị dậy sóng. Đến giờ ngủ trưa, mình nằm cạnh bạn và hỏi: “Thường đi học về con làm gì? Lúc con về nhà thì có những ai ở nhà với con? Sau khi học bài xong con làm gì? Con chơi với ai?” Khi hỏi đến đó con khựng lại và như muốn dừng cuộc nói chuyện. Mình biết đã đi đúng hướng liền nói tiếp: “Con học xong còn được chơi nè, chứ cô đi làm về mệt chả còn sức để chơi chỉ muốn ngủ thôi!”. Con đáp ngay: “Mẹ con cũng vậy đó cô, hôm qua con rủ mẹ chơi với con mà mẹ hét vào mặt con là mệt quá, đi ra chỗ khác đi. Lần nào rủ ba hoặc mẹ chơi chung cũng đều vậy hết.” Mình liền xoa đầu con và nói: “À thì ra là vậy, vì thế tranh của con mới vẽ như vậy phải không?” Con gật đầu xác nhận. Mình nói “Chắc con buồn lắm phải không? Nhưng con à, nếu không có mẹ bên cạnh thì cuộc sống của mình sẽ còn buồn hơn nữa đó con.”
Chiều hôm đó, mình liền chụp hình bức tranh gửi cho mẹ bạn ấy xem trước rồi mới gọi điện chia sẻ với mẹ. Mẹ cũng nói nhiều khi đi học về, bạn ấy lạ lùng lắm, bướng lắm, nói chẳng nghe, nói gì cũng cãi, kêu làm gì cũng không làm. Mình cũng hỏi thế mẹ có hỏi thăm vì sao con như thế không? Mẹ bảo không vì mẹ cũng quá bận. “Mẹ có biết bạn thèm được mẹ đến đón không? Mẹ có biết là mỗi buổi chiều bạn ây luôn nhìn về phía những bạn có ba mẹ đón và ao ước không? Rồi nhiều khi đi học, con ở trường bài vở nhiều, có khi chơi với bạn thì cũng xích mích này nọ nên tâm trạng không vui. Cũng giống như mình đi làm đó ạ. Rồi về nhà nhiều khi mẹ bận không hỏi thăm nên càng khiến bạn như thế.” Mẹ im lặng rồi cảm ơn mình đã thông tin.
Kết quả:
Từ sau hôm đó, mỗi tuần, mình đều thấy mẹ bạn ấy sẽ sắp xếp đến đón bạn 1 ngày trong tuần. Những lúc đó, bạn rất vui và hôm sau việc nghịch phá trên lớp cũng cải thiện rõ rệt.
Trên đây, chỉ là một vài trong số những trường hợp mà mình đã trải qua. Tất cả những ai đang là giáo viên chắc chắn đều đã từng gặp những tình huống tương tự. Những đứa trẻ này này chúng đều bị THIẾU HỤT TÌNH YÊU THƯƠNG khi chỉ sống với ba hoặc mẹ, THIẾU HỤT SỰ QUAN TÂM khi cả cha và mẹ quá bận rộn, THIẾU HỤT NHỮNG KĨ NĂNG cần thiết cơ bản để chúng có thể mạnh mẽ bước ra khỏi sự bảo bọc của gia đình. Nhiều khi các bậc cha mẹ hoàn toàn không biết là con mình đang bị như thế vì ở nhà chỉ có mình con nên họ không có nhiều điều kiện để con bộc lộ ra sự thiếu hút đó. Chính vì thế, khi ra ngoài xã hội, chúng mới dần bộc lộ những THIẾU HỤT đó của mình. Gia đình là ngôi trường thứ nhất và cha mẹ là những người thầy giáo, cô giáo đầu tiên của con. Vì thế, cha mẹ cần dạy các con những kĩ năng mềm và cách thích nghi với hoàn cảnh. Cho dù bây giờ con chỉ sống với cha hoặc với mẹ, hãy rút kinh nghiệm từ chính bản thân để dạy con biết được mình cần phải làm gì trong việc lựa chọn hình mẫu người bạn đời tương lai của con sau này.
Xin được kết thúc bài viết bằng một bài thơ mà mình đã sáng tác năm 2016 khi chứng kiến một gia đình sắp ly hôn. Khi ấy, mình đã đặt mình vào vị trí của những đứa con để viết bài thơ này.
Hà Koala - 21/11/2022
(Ảnh: Pinterest)
Cha ơi!
Con đã quen những ngày cha vắng nhà thường xuyên
Con cũng quen những lần điện thoại đường dài vội vã
Con đã quen với bữa cơm bên bà và mẹ
Những bữa cơm thiếu vắng bóng hình cha.
Con hiểu rằng cha giờ này bận việc nơi xa
Con hiểu rằng cha cũng ngày đêm trăn trở
Con hiểu rằng cả nhà mình tuy không đông đủ
Nhưng rất mong được một bữa quây quần.
Nhưng cha ơi, con chẳng muốn quen:
Cái cảm giác không còn cha che chở
Cái cảm giác khi chỉ còn có mẹ
Con lớn lên, rồi có mạnh mẽ không?
Hãy cho con được trọn vẹn tuổi thơ
Được đong đầy tình cha, nghĩa mẹ
Được cùng cha trên những chặng đường con khôn lớn
Được cùng cha bay khắp nẻo cuộc đời.
Cha ơi, hãy cho con cha nhé!