LỄ TÌNH NHÂN
Hôm nay là ngày Lễ tình nhân, ngày mà những cặp đôi thường trao cho nhau những lời yêu thương và tặng nhau những món quà ý nghĩa. Thế nhưng, hôm nay, ngay tại lúc viết những dòng này, tâm trạng mình không ổn tí nào.
Hôm qua, lớp mình đang chủ nhiệm có một học sinh nghỉ học. Mình nhận được tin nhắn của phụ huynh báo: “Vì con không ngoan nên mẹ cho nghỉ ở nhà một ngày để dạy.” Mình rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên có phụ huynh làm như thế.
Hôm nay, con đi học lại. Mình liền hỏi con về việc ngày hôm qua. Con có ý không muốn kể cho mình nghe. Mình đã phải dùng chiêu dụ dỗ và nói: “Mẹ con đã kể cho cô nghe việc xảy ra rồi (mặc dù mẹ không kể gì cả) nhưng đó là mẹ kể trên góc nhìn của mẹ. Cô cũng muốn nghe lại sự việc qua lời kể của con, góc nhìn của con để xem sự việc nó như thế nào?” Và mình đã thành công. Con bắt đầu kể cho mình nghe:
Con: Hôm qua con nghỉ học vì con hỗn với mẹ.
Cô: Con đã làm gì?
Con: Dạ mẹ nói một câu, con đáp lại một câu?
Cô: Là thế nào, con nói rõ hơn được không?
Con: Dạ mẹ nói con đi học đi, con nói không. Mẹ nói con soạn đồ đi, con nói không, mẹ soạn đi.
Cô: À ra vậy. Mà sao con lại nói vậy?
Con: Dạ tại con không thích nên con nói vậy.
Cô: Vậy lúc đó mẹ con nói sao?
Con: Mẹ con la con và nói con xin lỗi mẹ nhưng con không chịu xin lỗi.
Cô: Vì sao con không chịu xin lỗi?
Con: Dạ vì lúc đó con không thích xin lỗi nên mẹ giận và không cho con đi học. Nhưng đến tối con đã xin lỗi mẹ rồi.
Cô: Vì sao con xin lỗi mẹ trong khi ban đầu con nói con không thích?
Con: Dạ vì cô giúp việc nói con đi xin lỗi mẹ.
Cô: Nhưng con có nghĩ là mình làm gì không đúng không mà con xin lỗi hay vì cô giúp việc nói con làm nên con làm?
Con: Dạ vì con hỗn với mẹ, con trả treo với mẹ nên con phải xin lỗi mẹ.
Cô: À vậy con đã nhận ra là mình làm không đúng.
Con: Dạ.
Cô: Mà lúc đó con có chuyện gì không hay suy nghĩ gì không mà con lại hành động như thế với mẹ?
Con: Dạ…….
Cô: Trong gia đình con có việc gì không? Con đang có chuyện gì không vui ảnh hưởng đến tâm trạng con không?
Con: Dạ……. (mắt bắt đầu rơm rớm, ngoảnh mặt đi chỗ khác để kìm cho nước mắt không rơi).
Cô: (Xoa đầu và vuốt tóc con)
Con: Dạ…ba con…mới…chuyển…sang…nhà…khác. Con…buồn…lắm. Mẹ nói…ba mẹ phải làm vậy…để có thời gian…hiểu lại chính mình. (vừa nói và vừa nấc)
Cô: À cô thương! (mình vừa nói vừa ôm con vào lòng và cũng khóc theo con).
Con: Con không muốn như vậy.
Cô: Cô hiểu rồi, chắc là bây giờ con đang khó khăn lắm! Thế con có nói với mẹ là con đang có cảm giác như vậy chưa?
Con: Dạ chưa.
Cô: Cô nghĩ con hãy nói với mẹ những suy nghĩ và cảm xúc hiện tại của mình để mẹ có thể hiểu con hơn.
Con: Dạ cô.
Cô: Vậy con có nghĩ là mẹ cũng đang gặp khó khăn không?
Con: Là sao cô?
Cô: À, cô nghĩ nếu cô là mẹ con thì hiện tại cô cũng buồn không kém con đâu. Vì bây giờ một mình mẹ phải vừa gần gũi chăm sóc 3 anh em, vừa đi làm, vừa nghĩ làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ vợ chồng, mẹ sẽ rất áp lực và mệt mỏi đó con.
Con: Vậy hả cô?
Cô: Cô nghĩ thế vì cô cũng làm mẹ, cũng làm vợ nên cô cũng rất cần được yêu thương, được quan tâm. Khi có quá nhiều khó khăn không thể nói ra được, bây giờ lại cộng thêm việc con cái chưa ngoan, sẽ làm cho cái khó khăn đó nó chồng lên. Con có biết cái ly nước khi mình cứ rót liên tục thì thế nào không?
Con: Dạ thì nó đổ ra ngoài.
Cô: Vậy thì khó khăn của mẹ con cũng như nước trong ly đó, nó sắp tràn ra ngoài rồi, nó đang nhiều lắm rồi. Con có muốn giúp mẹ không?
Con: Dạ giúp sao cô?
Cô: Cô nghĩ con chỉ cần cố gắng học để mỗi ngày mẹ sẽ nhận được tin nhắn của cô là hôm nay con ngoan lắm, tập trung trong giờ học; hôm nay con hoàn thành bài đầy đủ…. Khi mẹ vui, mẹ sẽ có động lực để vượt qua khó khăn, mẹ sẽ nghĩ ra được cách để hàn gắn với ba con. Hoặc mẹ đi làm về, con hỏi thăm mẹ đi làm có mệt không, có vui không, có gì hay không hoặc chỉ cần con chạy ra ôm mẹ một cái cũng được. Con cứ nhớ, mẹ thường hỏi thăm con thế nào, quan tâm con thế nào thì mẹ con cũng muốn được con đối xử với mẹ như thế.
Con: Dạ cô, con sẽ làm thử.
Cô: Con cứ làm đi, cô chắc chắn mẹ con sẽ rất vui và con cũng sẽ vui. Con thông minh, tiếp thu nhanh nên hãy tận dụng nó vào việc học của mình để tiến bộ và để năm học cuối cấp này sẽ là một năm đáng nhớ của con.
Con: Dạ cô.
Cô: Con còn gì băn khoăn nữa không?
Con: Dạ không.
Cô: Nếu có gì thì cô vẫn ở đây và sẵn sàng lắng nghe con nhe.
Con: Dạ cô (Mỉm cười rất tươi).
Đó là toàn bộ nội dung của cuộc nói chuyện giữa mình và bạn học sinh đó. Nói chuyện xong mà tâm trạng mình nó buồn kinh khủng. Chẳng hiểu sao nước mắt nó cứ chực trào ra. Hầu như năm học nào, mình cũng sẽ tiếp nhận trường hợp như vậy. Mà mỗi lần nghe được thông tin là ba mẹ học sinh chia tay từ phía học sinh kể hoặc từ phía chính cha mẹ kể, tim mình cũng như hẫng đi một nhịp. Nó có cái gì đó rất đau vì mình nghĩ thương cho những đứa trẻ ấy, thương cho người trong cuộc là những người phụ nữ - những người mẹ, những người đàn ông – những người cha. Ai trong số đó cũng đều sẽ có những tổn thương và họ có chữa lành được hay không? Người lớn thì sẽ có cách để dần vượt qua. Nhưng trẻ con thì sao? Chúng làm sao có thể trưởng thành một cách đủ đầy khi thiếu vắng tình thương của một người nào đó. Và rồi điều đó nó sẽ ảnh hưởng như thế nào khi chúng lớn lên, khi chúng không hình dung được vai trò của một người mẹ - người vợ, người cha – người chồng trong gia đình là gì? Bởi vì chúng không được nhìn thấy điều đó từ cha mẹ chúng.
Hãy để cho kí ức của trẻ được lấp đầy bằng những yêu thương, những kỉ niệm ngọt ngào của cha mẹ, những khoảnh khắc được cha mẹ dạy bảo, chăm sóc. Để rồi sau này khi lớn lên, khi trưởng thành, chúng sẽ biết cách lựa chọn cho mình người bạn đời phù hợp. Và khi chúng trở thành người cha, người mẹ, chúng cũng sẽ biết cách nuôi dạy con mình như thế nào, để con sẽ cảm thấy rằng: mỗi khi về bên cha mẹ, ở bên cha mẹ là những lúc chúng cảm thấy yên bình nhất.
Hãy cho trẻ được tận hưởng thật nhiều ngày Valentines ngọt ngào và ý nghĩa ở tương lai.
Hà Koala - 14/2/2022
(Ảnh: Pinterest)