HỌP PHỤ HUYNH

Hà là một giáo viên Tiểu học dạy trường Quốc tế song ngữ. Hằng năm, trường Hà sẽ có 3 buổi họp phụ huynh. Một buổi họp phụ huynh đầu năm học để GVCN gặp gỡ phụ huynh của cả lớp, xem như là dịp để hai họ ra mắt nhau ấy mà. Hai buổi còn lại là cuối học kỳ I và cuối năm học, GVCN sẽ gặp trực tiếp từng phụ huynh một. Mỗi một phụ huynh sẽ có 15 phút cho lần gặp gỡ này. Bên cạnh việc lắng nghe kết quả học tập và sinh hoạt của học sinh, đây còn là dịp để họ trao đổi, tâm sự, lắng nghe, phàn nàn, than thở với GVCN.  

Phụ huynh này xong sẽ tiếp tục ngay đến phụ huynh khác. GVCN khi vừa kết thúc suất họp trước, sẽ phải lập tức điều chỉnh ngay tâm trạng, cảm xúc, thậm chí là phải nhớ lại những lời nói đã chuẩn bị để trao đổi với phụ huynh của ca họp sau. Thậm chí, ca họp trước gặp một vị phụ huynh khó tính khiến gương mặt Hà trở nên căng thẳng thì vừa kết thúc xong, mở cửa chào tạm biệt họ là Hà đã phải chuẩn bị sẵn một nụ cười thân thiện để chào đón phụ huynh của ca tiếp theo. Cứ liên tục như thế với 16 phụ huynh cho ca họp sáng và số còn lại vào ca họp chiều. Những buổi họp này tiêu hao của Hà rất nhiều năng lượng vì Hà phải hoàn toàn tập trung cao độ vào buổi trao đổi. Hà phải tưởng tượng học sinh đó đang ở trước mặt mình và đưa ra lời nhận xét chân thực và khách quan nhất về em học sinh đó.

Tuy căng thẳng là thế nhưng kết quả Hà thu lại được cũng nhiều không kém.

Hà học được nhiều thêm kĩ năng giao tiếp với từng đối tượng phụ huynh khác nhau. Có phụ huynh Hà phải dùng những thuật ngữ chuyên môn để trao đổi vì họ là những người giỏi ăn nói và khéo léo trong giao tiếp. Nhưng cũng có những phụ huynh Hà chỉ cần trao đổi bằng những từ ngữ đơn giản, gần gũi để họ có thể dễ dàng nắm bắt nhanh vấn đề vì cách nói chuyện của họ khá mộc mạc và chân chất.


Đối với những phụ huynh khó tính, khi họ phàn nàn và bày tỏ những điều chưa hài lòng, thậm chí có thể lớn tiếng và gay gắt, Hà cần bình tĩnh để không bị kéo theo cảm xúc khó chịu của họ. Bản thân Hà phải đủ lý trí và tỉnh táo để nhận ra đâu là sự thật torng câu chuyện họ kể, đâu là vấn đề cốt lõi của vấn đề họ nêu, để từ đó có hướng giải quyết phù hợp mà không bị cuốn theo hoặc bị dẫn dắt theo cảm xúc của họ.

Với mỗi một học sinh, khi đưa ra lời nhận xét về con em họ, Hà cần phải có những minh chứng cụ thể.

Ví dụ như: “Con là một học sinh rất tích cực trong giờ học. Điều này thể hiện qua việc con thường giơ tay phát biểu, xung phong sửa bài tập. Khi thảo luận nhóm, con hợp tác với các bạn để cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ chung.” Hoặc ví dụ như: “Con chưa thật cẩn thận khi làm tính. Mặc dù đã tính ngoài nháp nhưng khi viết lại kết quả vào vở, con lại viết thiếu hoặc nhầm lẫn các chữ số với nhau.”

Những nhận xét đầy đủ minh chứng sẽ giúp phụ huynh nhìn thấy được một cách tổng thể hơn việc học tập và sinh hoạt của con tại lớp, giúp họ có thể hiểu được hơn con mình. Và khi họ phản biện lại, Hà cũng cần phải đưa những lập luận đúng mực để có một cuộc trao đổi thẳng thắn, rõ ràng nhưng vẫn giữ được sự hòa nhã. Muốn như vậy, trong quá trình dạy, bản thân người giáo viên phải theo sát, hiểu rõ học sinh của mình để có thể đưa ra được những tư vấn, phản hồi phù hợp cho phụ huynh.

Hà sẽ đưa một ví dụ cụ thể như thế này. Trong buổi họp, Hà có nhận xét: “Con là một học sinh có nhiều ý tưởng khác lạ. Điều này giúp con có thể viết được những bài văn sáng tạo và độc đáo. Tuy nhiên nó cũng là một hạn chế vì con mất nhiều thời gian hơn trong việc chọn lọc các ý tưởng cho vào bài làm của mình.” Khi nghe Hà nhận xét như thế, phụ huynh đã nói ngay: “Ồ thế là con viết văn hay hả cô? Sao mẹ thấy ý của con nó cứ kì quặc hay sao ấy?”. Lúc này, Hà mới bắt đầu tư vấn: “Với cô, những ý tưởng như vậy là hoàn toàn bình thường và quan trọng là nó thể hiện đúng với độ tuổi và tính cách của con. Vì thế, khi làm bài, con cần phải rèn thói quen lập dàn ý chi tiết trước khi viết để con có thể hoàn thành bài đúng thời gian qui định mà vẫn có nét độc đáo của riêng con.”

Một ví dụ khác như sau. Hà nhận xét con: “Con khá nhạy cảm. Khi chơi với bạn, con chưa dám bày tỏ ý kiến cá nhân. Nếu có bị bạn chọc, con cũng không lên tiếng mà chỉ im lặng cho qua. Cô có hỏi, sao con không lên báo với cô hoặc nói bạn không được làm thế nữa, thì con nói là con thấy bình thường, không sao hết.” Mẹ nói ngay: “Ở nhà con cũng thế đó cô ơi. Mẹ cứ nói mãi mà con không sửa được.” Lúc này, Hà bắt đầu đưa ra những nhận định của mình: “Cô xin phép được trao đổi thẳng với mẹ về vấn đề này. Vì trường hợp của con là mẫu số chung của các học sinh có vấn đề tương tự. Mẹ xem có đúng với gia đình mình không mẹ nhé! Ở nhà, mỗi khi con bày tỏ suy nghĩ của mình về một việc nào đó, con có bị nói là sao nghĩ gì mà kì cục vậy, bậy bạ vậy, linh tinh vậy không? Nếu có, thì những lần sau đó, mẹ thấy con có nêu ý kiến nữa không? Con sẽ dần dần không dám bày tỏ nữa vì sẽ bị đánh giá, bị phán xét, mặc dù con thấy rằng ý kiến của mình chẳng có gì là sai cả. Và cái dần dần này, nó cực kì nguy hiểm vì con thấy không cần phải nêu ý kiến nữa và dần dần cái cảm giác bị tổn thương nó sẽ trở thành cảm giác bình thường, dẫn đến việc con thấy việc nêu ý kiến không còn quan trọng nữa.” Hà vừa dứt lời xong là mẹ đồng ý ngay. Mẹ nhận ngay là có làm như thế với con rất nhiều lần và dạo gần đây mẹ bắt đầu thấy con khó bảo, không nghe theo lời mẹ nữa. Hà đã tư vấn như sau: “Theo cô, mỗi khi trong gia đình mình có việc gì mà có sự tham gia của cả nhà, ví dụ như đi chơi, đi ra ngoài ăn hoặc quyết định mua sắm một vật dụng mới trong gia đình, mẹ hãy cho con được nêu ý kiến của mình. Nếu ý kiến đó mẹ thấy không phù hợp thì có thể hỏi vì sao con nghĩ thế? Hoặc có thể từ chối bằng cách nói “Mẹ thấy ý kiến của con cũng hay đó, còn mẹ nghĩ thế này nè, con thấy sao? Hoặc khi đi ra ngoài ăn, mẹ cho con tự gọi món ăn yêu thích của mình và những yêu cầu cụ thể về món đó ví dụ như không thêm hành, không thêm ớt, …”

Việc con được nêu ý kiến cá nhân, được bày tỏ cảm xúc của mình là một việc làm cực kì quan trọng. Việc cha mẹ trao đổi và thảo luận với con là một cách thể hiện sự tôn trọng con, xem con là một người không thể thiếu trong gia đình và giúp con tự tin hơn, có trách nhiệm hơn với những gì mình nói và làm. Chắc chắn, ý kiến của con và những việc con làm sẽ có lúc sai nhưng đó là cơ hội tuyệt vời để con nhìn lại mình và quan trọng đó là con được phát triển và trưởng thành theo tốc độ của riêng con chứ không phải theo tốc độ của cha mẹ. Chính tại gia đình – một xã hội thu nhỏ là nơi hình thành nên trong con sự tự tin vào chính bản thân mình. Nếu như cũng tại nơi ấy, con còn không được là chính mình thì thật là bất hạnh.

Ngoài ra, với Hà, một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của một buổi họp đó chính là không gian họp. Một không gian với đầy đủ ánh sáng, sạch sẽ, tinh tươm và mở loại nhạc phù hợp sẽ giúp cho những người tham gia cuộc họp cảm thấy thoải mái, dễ chịu và thể hiện được sự bài bản của người tổ chức. Âm nhạc sẽ làm cho những giây phút ngượng ngập ban đầu qua mau, làm cho những khoảng lặng của buổi nói chuyện trở nên đỡ ngượng ngùng, làm cho cảm giác hạnh phúc của cha mẹ thăng hoa khi được giáo viên khen ngợi con mình và cũng làm cho những sự bực tức mau chóng được hạ nhiệt. Hãy thật hòa nhã, chuyên nghiệp nhưng cũng thật chính trực, giản dị và chân thành. Bởi vì sự chân thành sẽ luôn là điều còn đọng lại trong tâm trí của những bậc cha mẹ về các giáo viên đã dạy bảo con mình.



Hà Koala - 31/05/2023

(Ảnh: Pinterest)