CON ĐƯỜNG VÀO NGHỀ
Năm 2000, mình quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm vì mơ ước ngày nhỏ của mình là trở thành một cô giáo tiểu học. Thế nhưng mình đã trượt Đại học và hi vọng sẽ đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm. Thế rồi mình cũng trượt nốt. Cả hai trường mình đều thiếu 0,5 điểm.
Lúc này, mình được bố mẹ và anh trai động viên rất nhiều. Cả gia đình cũng khuyên mình học lại để năm sau thi tiếp. Mình cũng đã chuẩn bị tinh thần để luyện thi lại. Và thật may mắn làm sao, trường Cao đẳng Sư Phạm hạ điểm chuẩn xuống và mình đã có cơ hội thực hiện được mơ ước của mình.
Ba năm học Cao đẳng là một khoảng thời gian vui vẻ. Mình vừa đi học, vừa đi dạy kèm, vừa tự do yêu đương và học kì nào cũng được học bổng. Nói chung là rất thú vị. Mình ra trường và chọn công tác tại một quận cách nhà 10km. Mình nhớ rất rõ ngày tất cả các giáo viên mới về tập trung tại Phòng giáo dục Quận. Hôm ấy mình là giáo viên duy nhất mặc áo dài đến tham dự. Mình được phân công về một trường có tiếng của quận. Hôm đến nhận nhiệm sở, mình không hề đến trễ mà là đến sau ba bạn khác. Thế là các bạn ấy được phân công làm giáo viên chủ nhiệm, còn mình cô Hiệu trưởng phân công cho dạy Mĩ thuật. Mình ngập ngừng và một loạt suy nghĩ ập đến: “Mình muốn làm giáo viên chủ nhiệm. Mình không được đào tạo để dạy vẽ. Nếu mình không nhận dạy vẽ thì thế nào? ...” Và rồi mình quyết định từ chối nhận. Mặc dù cô Hiệu trưởng có nói mình cứ nhận dạy vẽ đi, năm sau tuyển được giáo viên dạy vẽ thì sẽ xếp mình làm chủ nhiệm. Mình lại nghĩ tiếp: “Lỡ nếu năm sau, rồi năm sau nữa không tuyển được thì sao? Mình sẽ dạy vẽ mãi ư?” Thế là mình quyết định không nhận. Cô nói vậy bây giờ mình quay lại Phòng giáo dục để cô trưởng phòng giải quyết. Phải nói lúc đó mình lo lắng thật sự. “Nhỡ mình không có nơi nào để dạy luôn thì sao? Nếu lúc đó, mình quay lại đây thì cô cũng có ấn tượng không tốt về mình rồi. Chả lẽ học ba năm rồi giờ không có việc làm.” Thế nhưng mình đã quyết định quay lại Phòng giáo dục ngay lúc đó. Mình nghĩ: “Nếu chần chừ thì lỡ có người khác lại nhận công tác thì sao. Còn nếu không có trường nào để dạy thì mình sẽ học nghề khác.” Mọi thứ chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 5 phút.
Mình lập tức quay lại Phòng giáo dục thì cô trưởng phòng đã biết về tình hình cuả mình do cô Hiệu trưởng đã gọi điện thoại lên để thông tin. Vừa nhìn thấy mình, cô trưởng phòng đã nói: “À, thì ra đó là em hả?” Mình rất tò mò vì không hiểu vì sao cô nói như thế. Mình hỏi thì cô trả lời rằng: “Cô nhận ra em ngay vì hôm qua em là người duy nhất mặc áo dài tham dự buổi lễ và cô rất thích điều đó.” Mình cảm thấy vui kinh khủng vì câu nói của cô. Và rồi, mình quá may mắn khi được cô phân về một trường còn có tiếng hơn trường kia và còn là trường điểm của quận nữa. Mình cảm ơn cô rối rít và phi ngay tới trường.
Đó là ngôi trường đầu tiên mình gắn bó. Nơi đó, mình rất may mắn được gặp những người lãnh đạo tâm huyết và vô cùng đáng yêu. Mình nhớ thầy Hiệu trưởng tuy vẫn còn trẻ nhưng đã truyền động lực cho mình như thế nào. Thầy khi nhìn thấy tấm bằng xếp loại Trung bình khá thì đã nói: “Học trung bình khá không sao, miễn khi đi dạy tiến bộ dần là được.” Thầy là một người có tư tưởng tiến bộ, đổi mới. Và thầy cũng là người đầu tiên hướng dẫn mình đến với những bài giảng bằng Powerpoint, dạy mình cách soạn bài, dự giờ mình, đào tạo mình để tham gia các kì thi giáo viên giỏi và mình đã có những thành công nhất định tại ngôi trường này. Tuy vậy, sau 4 năm gắn bó, mình bắt đầu cảm thấy có cái gì đó thôi thúc mình phải thay đổi. Mặc dù nơi này mình cảm thấy vô cùng thoải mái nhưng mình không thể cứ lặp lại cái vòng luẩn quẩn như thế: Sáng đi dạy đến chiều, rồi sau đó dạy thêm đến tối, cuộc sống cứ nhàn nhã như thế. Và mình quyết định chuyển sang một môi trường mới hoàn toàn: Trường quốc tế song ngữ.
Sau khoảng thời gian làm việc ở môi trường công lập, mình rút ra được những bài học quý giá như sau:
Ấn tượng ban đầu là vô cùng quan trọng, chính nó đã giúp mình có được điểm khởi đầu thành công trong công việc. Từ đó, mình luôn chú trọng về ngoại hình, cách ăn mặc và luôn cố gắng chỉn chu ở mức cao nhất.
Việc tự tin bày tỏ ý kiến cá nhân một cách lịch sự sẽ giúp mình có được nhiều cơ hội hơn những người xung quanh.
Nếu thường xuyên tiếp xúc với những người có chuyên môn giỏi sẽ giúp mình ngày càng tiến bộ hơn.
Không ngại hỏi, không dấu dốt, chịu khó học hỏi và tìm ra những điểm thích hợp để mình có thể vận dụng vào bản thân.
Những bài học đó mình đã áp dụng triệt để khi qua làm việc ở trường quốc tế và ngôi trường thứ hai đã đào tạo mình trở thành một giáo viên thực thụ. Nói thực thụ là vì nơi đây mình được thỏa sức sáng tạo, tự do thể hiện những ý tưởng qua bài dạy trong phạm vi cho phép, được làm việc với những giáo viên nước ngoài vui tính, được giao tiếp với họ và được họ truyền cho mình, nói chính xác là tác động đến suy nghĩ của mình: “Để giáo dục một đứa trẻ có rất nhiều cách. Đòn roi và la mắng chỉ có kết quả nhất thời. Chỉ có sự kiên nhẫn và yêu thương mới có thể cải thiện được chúng.” Chính quan điểm này đã giúp mình thành công ở môi trường quốc tế và áp dụng vào cả việc dạy con. Mình cũng thấy phù hợp với môi trường này hơn và đặc biệt lương của mình còn cao hơn lương khi còn làm ở công lập. Vì ở đây, mình chỉ làm việc từ sáng đến chiều, còn ở công lập thì cũng từ sáng đến chiều rồi tối đi dạy thêm nhưng tổng lương chỉ bằng một nửa nơi đây.
Đây là năm thứ 20 mình dành sự gắn bó với những đứa trẻ. Còn nhớ những ngày bỡ ngỡ mới bước chân vào nghề, mình được phân công dạy lớp 1. Lúc ấy, mình thật lơ ngơ, lóng ngóng và dạy những cô bé, cậu bé cũng lóng ngóng, lơ ngơ không kém khi vừa bước chân vào cấp học đầu tiên. Mỗi một năm học trôi qua, mình lại tích góp được thêm những kinh nghiệm quý giá cho bản thân, lấp đầy thêm trong tim những tình cảm yêu thương của học sinh, của phụ huynh và khắc ghi cả những lần vấp ngã giúp mình trưởng thành hơn.
Nhìn lại chặng đường đi qua, mình nhận ra được những giá trị cốt lõi của bản thân mà bấy lâu nay mình vẫn theo đuổi để luôn giữ được sự yêu thích với công việc này.
Đầu tiên chính là sự KỈ LUẬT. Điều này mình phải cảm ơn bố mẹ mình. Bố mình là một người rất kỉ luật, nghiêm khắc và ngay khi còn nhỏ, trừ những lúc trong năm học, mỗi dịp nghỉ hè là bố luôn yêu cầu mình phải lập thời gian biểu cá nhân và sinh hoạt, học tập theo những gì đã đề ra. Còn mẹ mình là một người phụ nữ rất gọn gàng, luôn biết thu vén, quán xuyến gia đình và điều đó nó đã thấm dần từng ngày vào mình. Chính vì thế, mình luôn biết ơn bố mẹ mình về điều đó và nhận thấy rằng nền tảng giáo dục từ gia đình là cực kỳ quan trọng. Và mình đã áp dụng sự kỉ luật này vào cuộc sống cá nhân lẫn công việc giảng dạy. Và nếu không có tính kỉ luật, mình chắc chắn cũng sẽ không có những thành công nhất định như ngày hôm nay. Để trở nên một người có kỉ luật, nó buộc mình phải kiên trì, thật kiên trì. Ví dụ như khi được giao một nhiệm vụ, mình sẽ đặt mục tiêu phải hoàn thành nó trước thời hạn và thậm chí mình sẽ cố gắng hoàn thành nó trên mức yêu cầu. Vì mình nghĩ trước sau gì cũng phải làm, hãy làm cho thật tốt một lần, để dành thời gian sẽ làm những việc khác, còn hơn hoàn thành cho xong rồi bị trả về làm lại, như thế mình sẽ mất thời gian gấp đôi. Chính vì thế, dần dần nó hình thành cho mình một thói quen giờ nào việc đó, mình làm việc nhanh, hiệu quả và chỉn chu trong từng bài giảng. Thậm chí, có đồng nghiệp khi vừa nhìn vào bài soạn đã nói ngay: “Chắc chắn đây là bài soạn của chị Hà.” Tính kỉ luật còn giúp mình trở thành một người chủ động vì mình biết sắp xếp thời gian, ưu tiên thứ tự quan trọng của từng việc, không bị bỏ sót việc, trở thành một người có trách nhiệm và có thời gian làm những việc mình yêu thích.
Nhưng mình nghĩ người kỉ luật thì đôi khi sẽ rất khô khan và cứng nhắc. Chính vì thế, trong mắt các đồng nghiệp và bạn bè, mình còn là một người HÀI HƯỚC. Tính cách này mình có được là từ anh trai mình. Thêm một người nữa trong gia đình đã định hình nên mình ngày hôm nay. Khi thoát ra khỏi hình ảnh một giáo viên nghiêm túc, chuẩn mực trong tiết dạy, mình là một người vui vẻ, cởi mở, gần gũi và mang tiếng cười đến mọi người xung quanh. Học sinh sẽ cười rũ rượi, cười ha hả khi trò chuyện với mình sau giờ học vì khi đó mình nói chuyện với chúng bằng ngôn ngữ của chúng, ngôn ngữ của giới trẻ, của những trend hiện nay mà mình thấy là phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của chúng. Tính hài hước giúp mình tìm thấy được sự cân bằng mà tính kỉ luật mang lại. Nó giúp mình không quá áp lực, căng thẳng mà ngược lại tìm được niềm vui từ những điều nho nhỏ hằng ngày.
Và một điều không thể phủ nhận tác dụng của tính hài hước và sự kỉ luật mang lại đó chính là sự SÁNG TẠO. Đây là điều giúp mình thấy yêu thích công việc hiện tại. Tính kỉ luật buộc mình phải luôn chỉn chu trong từng việc. Và để chỉn chu mình cần phải tự học tự rèn liên tục. Việc tự học giúp mình tiếp cận được với những thay đổi mới, những ý tưởng hay. Mỗi một bài giảng mang đến cho học sinh, mỗi một sản phẩm trang trí … mình luôn tìm cho nó những điểm mới lạ. Trước tiên vì bản thân mình muốn cảm thấy sự mới mẻ trong những điều quen thuộc để không nhàm chán khi phải dạy cùng một nội dung trong nhiều năm. Thứ hai mình muốn học sinh sẽ luôn cảm thấy hứng thú và háo hức với tiết học. Mình mong muốn, mỗi bài giảng, mỗi giờ học sẽ là những trải nghiệm thật thú vị cho chính mình và các con. Dần dần mình tích lũy được nhiều trò vui, nhiều ý tưởng để gắn vào bài giảng.
Cảm ơn những lứa học trò đã luôn cho mình có cơ hội để trưởng thành hơn mỗi ngày.
Hà Koala - 15/11/2022
(Ảnh: Pinterest)