CHUYỆN TRẺ CON
Hôm ấy, mình dự định sẽ đi ăn Bún Quậy vào buổi chiều sau khi đi làm về. Mình rất háo hức vì món bún ở đó rất rất ngon. Khi đến quán, lúc nhân viên mang tô bún ra thì mình nhận được điện thoại từ phụ huynh. Nội dung liên quan đến việc bạn A bị bạn B bắt nạt ở trường khá nhiều lần. Phụ huynh còn khẳng định bạn B trong lớp rất quậy. Hiện bạn A đang rất buồn, con còn khóc và nói không muốn đi học. Phụ huynh nhờ mình giải quyết, nếu không được thì phụ huynh sẽ chuyển lớp cho con. Lúc ấy, mood mình đang lên cao vì nghĩ đến việc sắp được ăn tô bún thì mood lao dốc không phanh. Đúng là kiểu trời đánh tránh bữa ăn. Nhưng rồi mình cũng đã cảm ơn phụ huynh vì thông tin kịp thời đến mình. Mình hứa hôm sau sẽ vào nói chuyện với cả hai bạn để tìm hiểu vấn đề rồi phản hồi sớm nhất với phụ huynh. Còn việc chuyển lớp thì sẽ chờ sau khi mình tìm hiểu xong, trao đổi lại với phụ huynh rồi khi ấy phụ huynh quyết định vẫn chưa muộn.
Lúc tắt điện thoại xong, mình khá bực mình. Bực vì mình biết chắc mình sẽ ăn không ngon miệng nữa. Và bực vì đây không biết là lần thứ mấy mình gặp trường hợp phụ huynh như vậy. Họ thường rất bức xúc khi thấy con có vấn đề không vui ở lớp. Thay vì tìm hiểu kĩ càng, dạy con kĩ năng vượt qua, kĩ năng đối mặt với khó khăn thì họ lại nghĩ đến việc lảng tránh và chọn phương án chuyển lớp cho con.
Tối đó về nhà, mình đã lên kế hoạch ngày mai sẽ vào nói chuyện như thế nào với hai bạn nhỏ. Vì thế mình đã viết xuống suy nghĩ và cảm xúc của mình từ lúc bắt đầu nhận điện thoại của phụ huynh. Mình còn chuẩn bị sẵn cả một hệ thống câu hỏi để hỏi hai bạn. Sau đó mình đi ngủ và tự nhủ ngày mai mình sẽ giải quyết xong chuyện này để hai bạn vui vẻ và phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm.
Sáng hôm sau, khi vào lớp, theo kịch bản đã soạn sẵn, mình đã dành khoảng thời gian trò chuyện riêng với từng bạn như sau:
Với bạn A:
Tối qua con ngủ ngon không? (Dạ cũng bình thường)
Sáng nay đến trường, con cảm thấy thế nào? (Con không muốn đến trường lắm)
Hôm qua cô nghe ba kể con về nhà khóc với ba hả? (Dạ)
Vì sao con khóc? Có chuyện gì buồn làm con khóc hả? (Dạ)
Con có thể kể cho cô nghe được không? (Dạ vì bạn B cứ chọc con, bạn cứ chạy lại chỗ con ngồi rồi chọc con)
Bạn làm như vậy với con mấy lần rồi? (Dạ con không nhớ nhưng cũng mấy lần rồi)
Những lúc đó con cảm thấy thế nào? (Dạ con khó chịu, con không thích)
Con có nói với bạn cảm giác của con khi bạn làm vậy không?
Nếu có nói rồi thì bạn thế nào? Sao bạn liên tục làm như vậy mà con không báo với cô? Nếu con báo với cô thì sự việc đã được giải quyết nhanh hơn rồi → skip câu này vì bạn A chưa nói.
Nếu chưa thì sao con không nói với bạn? (Dạ tại con nghĩ nếu có nói thì bạn vẫn cứ làm như vậy)
Nếu con nói thì bạn sẽ biết là con không thích và không làm vậy với con nữa. Có thể chính sự im lặng của con tức là con đồng ý cho bạn làm như thế.
Mà ba con nói sẽ chuyển lớp cho con đó, con nghĩ thế nào? (Dạ con không muốn chuyển lớp đâu cô)
Vậy con đã nói với ba con chưa? (Dạ con có nói rồi)
Thế mẹ con có ý kiến gì không? (Dạ mẹ con không ở với con. Ba mẹ con ly dị rồi)
Vậy à? Con lại đây cô ôm một cái nào! (con ngập ngừng nhìn mình một lúc rồi bước lại để mình ôm → lúc đó mình đã muốn khóc)
Cô sẽ nói chuyện thêm với bạn B về việc này rồi nói chuyện sau với con nhé. Bây giờ con vào học nhé.
Với bạn B:
Ngày hôm qua con đi học có vui không? (Dạ vui)
Giờ chơi con chơi với những bạn nào? (Dạ con chơi với nhiều bạn lắm, con không nhớ hết)
Có chuyện gì xảy ra trong giờ chơi không? (Dạ không có gì hết cô)
À vậy con có chơi với bạn A không? (Dạ có)
Con chơi trò gì với bạn? (Dạ con chọc bạn)
Sao con chọc bạn? (Dạ vì con thích bạn, con thân với bạn, mà lúc đó con đang chán, không có ai chơi cùng nữa nên con chọc bạn)
Lúc chọc bạn xong con cảm thấy thế nào? (Dạ con thấy vui)
Vậy khi con chọc bạn xong thì con thấy bạn thế nào? (Dạ bạn giận con rồi bỏ đi)
Vậy con nghĩ bạn sẽ cảm thấy thế nào khi con chọc bạn? (Dạ bạn buồn)
Ồ con có thể thấy được bạn buồn à? (Dạ)
Con chọc bạn, con cảm thấy vui. Nhưng ngược lại con lại làm bạn buồn. Vậy con nghĩ việc mình chọc bạn là như thế nào? (ấp úng, gãi tai… Dạ không đúng)
Nếu con là bạn thì con sẽ cảm thấy thế nào khi có bạn chọc con như vậy? (Dạ con sẽ không thích)
Vậy giờ mình sẽ làm gì nhỉ? (Dạ con sẽ xin lỗi bạn)
Với cả hai bạn:
Mình: Bây giờ hai bạn có gì muốn nói với nhau không? (hai bạn nhìn nhau, chưa biết nói gì)
Mình: B ơi, con có gì muốn nói với bạn không?
B: (ấp úng một lúc) Tui xin lỗi vì chọc ông nhưng lúc đó tui chán quá, không có ai chơi nên tui mới làm vậy.
A: Sao lúc đó ông không nói là không có ai chơi? Nếu ông nói thì tui đã chơi với ông rồi chứ đâu có giận ông. (Quay sang nhìn mình) Dạ tại con không biết nên con mới giận bạn.
Mình: À, thì ra là hai bạn đang hiểu lầm nhau rồi nè. Vậy bây giờ hai bạn cảm thấy như thế nào rồi?
A và B: Dạ con thấy bình thường lại rồi cô.
Mình: Cô mong hai bạn sẽ chơi vui vẻ với nhau nè. Có gì thì mình nói với nhau để tránh hiểu lầm nhé.
Hai bạn vui vẻ quay đi, thậm chí còn bắt tay nhau và khoác vai nhau nữa. Một lúc sau đến giờ thể dục, mình thấy hai bạn còn cột dây giày giúp nhau nữa. Trẻ con mới thật là đáng yêu làm sao!
Với phụ huynh:
Mình: Cô gọi điện giờ này nói chuyện với ba có tiện không ạ?
PH: Được cô.
Mình: Sáng nay cô đã trao đổi riêng với cả hai bạn. (Kể lại nội dung buổi nói chuyện).
PH: À thì ra là vậy.
Mình: Cô cũng có hỏi con về việc chuyển lớp thì con có chia sẻ là con đã học 3 năm chung với các bạn rồi nên không muốn chuyển lớp. Cô nghĩ khi ba thấy con đi học về không vui, chắc là ba lo lắng lắm ạ. Các bạn chơi với nhau đôi khi cũng có hiểu lầm này kia nên cô mong ba cho con và bạn có thời gian để tìm hiểu vấn đề. Cô cũng rất cảm ơn ba đã chia sẻ với cô kịp thời vấn đề của con để cô có thể cùng ba giải quyết. À mà sau khi cô nói chuyện xong, cả hai bạn còn bắt tay nhau, khoác vai đi chơi và cột dây giày cho nhau nữa đó ba.
PH: Vui thế hả cô? Cám ơn cô đã tìm hiểu và giải quyết vấn đề. Việc chuyển lớp là khả năng bất đắc dĩ thôi cô ạ. Nhưng vì ba thấy A bức xúc quá nên nghĩ sự việc khá nghiêm trọng với con.
Mình: Dạ vâng. Tuy vậy cô cũng sẽ quan sát tiếp tục hai bạn và cập nhật với ba nhé. Ba có muốn chia sẻ thêm gì nữa không ạ?
PH: Nhờ cô theo dõi và cập nhật giúp khi có việc cô nhé.
Mình: Dạ vâng. Cô xin phép tắt máy ạ.
Thế là mình đã giải quyết xong. Một cảm giác vô cùng dễ chịu lan tỏa khắp người nhưng cũng xen lẫn một nỗi buồn man mác. Mình lại có thêm một bài học kinh nghiệm nữa trong việc xử lý tình huống với học sinh. Người cha trong tình huống này khi một mình nuôi con chắc hẳn đã phải chịu nhiều áp lực như thế nào? Người cha khi thấy con không ở gần mẹ chắc chắn sẽ thiếu thốn tình cảm thế nào? Vì thế khi thấy con buồn, người cha chỉ mong tìm cách bù đắp lại cho con và nóng lòng mong con vui vẻ trở lại ngay lập tức mà chưa cùng con nhận diện ra vấn đề trước mắt cần phải đối mặt và giải quyết ra sao. Vì thế mình sẽ cố gắng hết sức có thể để dạy con những kĩ năng cần thiết để con sẽ tự đứng vững trên đôi chân của chính con. Thương con trai!
Hà Koala - 12/7/2022
(Ảnh: Pinterest)