CHUYỆN THI CỬ

Học sinh khối lớp 4-5 Tiểu học mỗi năm sẽ trải qua bốn lần kiểm tra. Vậy ở mỗi lần kiểm tra đó, giáo viên cần phải làm gì để học sinh của mình đạt được kết quả khả quan?

Mình là một giáo viên khá nghiêm khắc và kỉ luật. Thường vào đầu mỗi năm học, mình phải mất ít nhất 1 tháng rưỡi đến 2 tháng để rèn học sinh vào nề nếp học tập lẫn sinh hoạt. Trẻ con cần có một thời gian biểu được thiết lập cố định để chúng có thể biết được giờ nào thì cần làm gì. Việc làm này dần dần sẽ hình thành cho chúng một thói quen cực kì tốt “giờ nào việc nấy” và trên hết là chúng sẽ tự giác làm mà không cần đến sự nhắc nhở của người lớn.


Việc thực hiện điều này có khó khăn không? Có những học sinh chỉ cần 1 – 2 tuần đầu là con đã quen với thời gian biểu. Nhưng điều này sẽ thật khó với những học sinh hiện chưa có khả năng tự học và vẫn còn được sự bảo bọc nuông chiều từ phía gia đình. Đó chính là những gia đình có giờ giấc sinh hoạt lộn xộn, không theo một trật tự nào cả. Đó là những gia đình mà đối với cha mẹ “con đến trường chỉ cần vui là đủ, việc học là cả một quá trình dài, điểm số và thành tích không quan trọng”. Thế mà, khi điểm thi được phát ra, con được điểm thấp thì họ sẽ quay trách ngược lại giáo viên, cho rằng dạy dở và không sâu sát con em họ.

Cách mình dạy học sinh ở lớp là như thế này và cũng trao đổi với phụ huynh để họ nắm được tinh thần. Mỗi ngày, các con sẽ có bài tập về nhà. Bài tập đó thông thường là hệ thống hóa lại kiến thức đã học trong ngày. Con sẽ highlight những phần cần làm và ghi ngày học vào trang đó. Về nhà, các con sẽ ghi giờ bắt đầu làm bài và giờ kết thúc, sau đó viết ra số phút mà mình đã thực hiện bài tập đó. Việc làm này có nhiều tác dụng: giúp con dần dần biết cân đối thời gian làm bài, rèn kĩ năng thực hiện phép tính với số đo thời gian và tự thiết lập mục tiêu thời gian học tập cho bản thân.


Ban đầu khi mình thực hiện việc này, một số em về nhà không làm bài tập mặc dù có mang vở về nhà. Mình hỏi thì các con bảo rằng QUÊN. Mình thông tin đến phụ huynh thì được phản hồi 10 người như một. “Nhờ cô mỗi ngày có bài tập gì thì nhắn cho mẹ để mẹ nhắc con làm.” Đó chính là những phụ huynh nằm trong nhóm mà mình đã nêu ở trên. Ôi! Phải nói thẳng là mình cực kì không thích những phụ huynh như vậy. Bởi vì chính họ đang dần làm mất đi khả năng tự giác học của các con. Những lần như thế, mình đều trả lời rằng: “Bài tập ngày nào cũng có và con cũng đã đánh dấu vào vở. Mẹ xem có thể đến giờ học con bị việc gì đó làm xao nhãng nên không hoàn thành bài tập không?”. Những học sinh này sau giai đoạn hôm nhớ hôm quên thì đã quen với cách học và hoàn thành đầy đủ. Thời gian đầu, mình phải chấp nhận và làm quen là các con sẽ có thể nhớ nhớ quên quên. Nhưng cái chính là mình tạo điều kiện cho các con va vấp. Khi quên làm bài, con vào lớp không được nhận điểm thưởng của cô. Khi quên làm bài, con vào lớp sẽ không biết phải thảo luận gì với các bạn về bài tập đó… Tự các con sẽ dần nhận ra mình bị mất nhiều cơ hội, để từ đó các con mới ý thức được tầm quan trọng của việc học.


Việc các con viết ra thời gian hoàn thành bài tập nó còn mang đến cho chính các con cảm giác thành tựu. Ví dụ hôm nay con làm mất 40 phút, ngày mai con làm mất 50 phút nhưng ngày kia con làm chỉ mất 30 phút. Có thể đó là bài dễ đi chăng nữa nhưng việc nhìn thấy con số thời gian giảm xuống sẽ làm cho con thấy việc học của mình có tiến bộ.

Đến mỗi kì kiểm tra, giáo viên mình cũng áp lực không kém. Áp lực từ chỉ tiêu nhà trường đưa ra, áp lực từ phía phụ huynh. Nhưng bản thân mình cần phải biết áp lực đó là gì để tránh dồn xuống học sinh. Không biết các cha mẹ có hiểu rằng các cô các thầy cực kì căng thẳng vào những ngày ôn thi không? Vì đến lúc ôn tập, có học sinh nhìn kiến thức đó giống như lần đầu tiên được học vậy. Thế là thầy cô phải giảng lại từ đầu. Mà trong một lớp đâu phải tất cả học sinh đều có trình độ như nhau. Những bạn học giỏi khi nghe giảng lại cũng sẽ rất chán vì đó là kiến thức chúng đã nắm, mà còn nắm chắc nữa. Nhưng những bạn kém hơn thì sao? Giáo viên phải dành thời gian giảng giải cặn kẽ lại từ đầu. Vì thế, trong giờ dạy luôn phải có 2-3 phương án dự phòng. Vì nếu học sinh giỏi đã nắm rồi thì giáo viên phải có bài tập riêng cho các bạn đó thử thách và dành thời gian cho những bạn yếu hơn. Đến khi những bạn yếu hơn tự thực hành thì giáo viên sẽ quay sang sửa cho những bạn khá giỏi. Ba đầu sáu tay là có thật đó các cha mẹ ạ! Có nhiều lúc, giảng rồi hôm sau các con lại quên, phải giảng lại. Thời mới ra trường đi dạy, mình bực và cáu lắm. Thế nhưng dần dần mình nắm được cấu trúc của chương trình học và cơ chế hoạt động của não bộ trẻ, mình giảm thiểu tối đa việc cáu này xuống. Mình luôn nghĩ rằng: “Mình học bài này mấy chục năm rồi, thậm chí còn vận dụng vào đời sống. Thế nhưng đây là lần đầu tiên các con học bài này thì làm sao con có thể ghi nhớ vanh vách ngay được.” Nghĩ như thế nên mình hiểu cho học sinh, tạo điều kiện cho các con thực hành để tránh việc trách mắng trẻ khiến trẻ cảm thấy sợ việc học. 

Đến giai đoạn ôn thi, bài tập sẽ tăng dần lên mỗi ngày cả về lượng và cả về chất. Nếu cha mẹ nhìn vào sẽ thấy rằng bài ôn tập nào cũng giống nhau thôi, sao cứ phải làm đi làm lại? Nhưng mình chia sẻ thêm để các cha mẹ có thể hiểu rõ hơn. Về cơ bản, cha mẹ sẽ thấy cấu trúc bài ôn tập là giống nhau nhưng khi đi sâu vào từng bài tập một, cha mẹ mới nhận thấy được sự khác nhau giữa chúng. Đó là cách giáo viên dạy cho học sinh làm quen với sự đa dạng của các loại bài tập, để đến khi thi các con sẽ không bị bỡ ngỡ nếu gặp phải một dạng quá mới.


Mình ví dụ ở phép cộng có bài cộng không nhớ, con làm chưa tới 1 phút nhưng cũng có bài phép cộng, con làm mất hơn 1 phút vì đó là cộng có nhớ đến 2-3 bước. Hoặc đề toán sau: “Bạn A có 5 viên bi, bạn B có ít hơn bạn A 3 viên bi. Hỏi cả hai bạn có bao nhiêu viên bi?”. Các con sẽ làm bài này khoảng 3 lần đến khi quen rồi giáo viên sẽ chuyển thành như sau: “Bạn A có 5 viên bi, bạn A có nhiều hơn bạn B 3 viên bi. Hỏi cả hai bạn có bao nhiêu viên bi?”. Thoạt đầu đọc đề, ta sẽ thấy hai đề khác nhau, nhưng thực chất là chúng giống nhau. Mình đảm bảo các con sẽ bị nhầm lẫn khi thực hiện phép tính. Ở đề 1, khi tìm số viên bi của bạn B, con sẽ làm 5-3=2 nhưng sang đề 2 con lại làm 5+3=8. Trong khi phép tính đúng phải là 5-3=2.


Vì thế, việc cho các con làm quen với nhiều dạng bài sẽ giúp con tránh được những sai lầm này. Bên cạnh đó, khi não của con được tiếp nhận nhiều tình huống khác nhau để tập cách giải quyết thì đến khi xảy ra tình huống thật, các con sẽ mất ít thời gian suy nghĩ hơn trong việc đưa ra phương án giải quyết tình huống đó. Các con sẽ dành thời gian còn lại để có thể kiểm tra lại toàn bộ bài làm của mình.

Do đó, thường ở lớp, mình sẽ cho các con giải khoảng 3 đề. Ở mỗi đề, khi sửa bài, mình đều cho các con thống kê lại số câu đúng, câu sai. Từ đó, mình bắt đầu khoanh vùng lại những dạng bài mà học sinh hay sai nhiều và tập trung chủ lực vào những dạng đó ở các đề tiếp theo. Và cứ tiếp tục khoanh vùng dần như thế. Không những thế, việc các con được rèn luyện thế này đó chính là một hình thức để các bạn rèn luyện tâm lý trước kì thi. Thử hỏi, khi ra trận nếu chúng ta chuẩn bị đầy đủ vũ khí và tâm thế sẵn sàng sẽ giúp ta tự tin hơn nhiều chứ.


Mà lạ lắm, có những phụ huynh đến gần sát ngày thi mới nhắn tin hỏi cô là ôn chỗ nào, phần nào, sao mẹ không thấy con ôn gì hết, sao mẹ hỏi mà con trả lời cái gì cũng sai? Mấy phụ huynh này mình hỏi học sinh thì mới ra là bình thường có dạy con học gì đâu, con học đến đâu còn chả nắm, hỏi toàn những gì đẩu đâu thì làm sao con trả lời được. Rồi sau đó lại nhảy sồn sồn lên nói giáo viên dạy làm sao mà con họ chẳng biết gì hết?


Thế mới nói, làm giáo viên kể ra cũng “nhàn”.


Hà Koala - 09/05/2023

(Ảnh: Pinterest)