CHUYỆN DẠY VÀ HỌC 

Ở TRƯỜNG QUỐC TẾ

Sinh con ra, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được nuôi dưỡng và giáo dục tử tế. Vì thế ngoài môi trường gia đình thì việc chọn lựa trường học cho con cũng là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Mình từng là một giáo viên tiểu học trường công lập (CL). Sau 3 năm gắn bó với môi trường này thì mình có cơ duyên được dạy kèm tại nhà cho một học sinh đang theo học ở trường Quốc tế (QT). Khi đến nhà dạy cho học sinh này, mình đã cảm thấy có sự khác biệt ngay về cách con nhìn nhận thế giới xung quanh không giống như những học sinh mình đang dạy ở trường CL. Mình phát hiện ra những điều mới lạ hấp dẫn, thu hút mình qua các bài tập mà con được giao về nhà. Nó hoàn toàn khác với những dạng bài tập mà mình vẫn thường thấy lúc đó. Mình còn nhận ra cách con sử dụng và nói tiếng Anh, nghe rất đã tai. Thậm chí, có những môn học mà trường CL không có. Chính những môn học đó đã cho con có những kĩ năng giải quyết vấn đề rất hay chứ không đi theo lối mòn. Mình nghĩ, học sinh mà đã được học những điều hay như thế này thì chắc chắn giáo viên cũng phải được đào tạo bài bản mới có thể dạy được như thế. Chính vì vậy, sau 4 năm gắn bó với môi trường CL, mình quyết định chuyển sang trường QT. Trước và sau khi chuyển sang nơi này, mình đã nghe được một số quan niệm về trường QT như sau:

1/ “Môi trường tư thục nhiều áp lực lắm. Nếu mà làm không tốt là sẽ bị đuổi đó. Phụ huynh ở đây nhiều tiền nên không tôn trọng giáo viên đâu.”

Đây là quan niệm của rất nhiều giáo viên công lập ngày trước và đến giờ vẫn còn có quan niệm đó. Mình nghĩ môi trường nào cũng có những áp lực của riêng nó. Áp lực từ nhiều phía: cấp trên, phụ huynh, học sinh và cả áp lực từ những thay đổi về giáo dục mà Bộ và Sở ban hành. Và ở mỗi người, khả năng chịu đựng áp lực cũng khác nhau. Tuy nhiên, khi đã bước chân vào trường QT, nếu ai không quen với việc chịu đựng áp lực hoặc ngại thay đổi thì sẽ không thể thích nghi được với môi trường này. Vì đây là nơi đòi hỏi tính chủ động, sáng tạo, tinh thần ham học hỏi, cầu thị rất cao. Do đó, nếu thích nghi kém, ngại thay đổi, không dám vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân sẽ làm cho người GV không mở mang được, không lĩnh hội được những điều mới mẻ trong giáo dục và thậm chí lười nhác thì tất nhiên việc bị đuổi là điều không thể nào tránh khỏi.

Phụ huynh ở đây họ nhiều tiền thật đấy, có người còn cho cả 4 đứa con vào đây học, có người còn đóng học phí cả 5 năm một lúc cơ mà. Nhưng cũng có những phụ huynh họ chỉ có một đứa con và cố gắng chắt chiu để cho con được theo học tại môi trường QT. Vì đa phần họ là người giàu có nên cách họ nhìn nhận vấn đề không giống như giáo viên. Họ bỏ ra một số tiền lớn để cho con vào đây học, tất nhiên cái họ nhận được cũng phải tương xứng với số tiền đó. Bạn không thể nói họ ỷ có tiền muốn làm gì thì làm. Thử nghĩ bản thân chúng ta mà xem. Khi bạn bỏ tiền túi vào một nhà hàng sang trọng hoặc một resort năm sao, bạn có muốn họ phục vụ bạn một cách thờ ơ, hời hợt và không chuyên nghiệp không? Tất nhiên là không rồi. Và phụ huynh cũng thế, họ cũng sẽ tỏ thái độ không tôn trọng nếu giáo viên đó thờ ơ với con họ, không quan tâm đến con họ đúng mức, không có sự kết nối giữa họ với giáo viên, chấm chữa bài thì sai sót... Nhưng nếu bạn toàn tâm toàn ý cho việc dạy, có sự liên hệ kịp thời với phụ huynh trước những biến chuyển của học sinh, mang đến cho con họ những giờ học sinh động, hấp dẫn thì lẽ dĩ nhiên bạn sẽ giành được sự kính trọng của họ. Và sự kính trọng đó còn được truyền từ phụ huynh này sang phụ huynh khác, tạo nên thương hiệu của cá nhân bạn.

Nên nếu được chọn lựa lại, mình vẫn sẽ chọn dạy ở trường QT. Ở đây sẽ mang đến cho bạn một sự thay đổi lớn về tư duy, nhận thức và cả sắc đẹp. Mình nói như thế vì mình đã trải qua hai ngôi trường QT. Nơi nào cũng đã đào tạo mình thành một giáo viên có bản lĩnh trong công việc và gần gũi, tâm lý trong mắt học sinh. Mình tự tin nói như vậy. Vì ở nơi đây, mình được học rất nhiều điều mới mẻ, nó thu hút mình, hấp dẫn mình, nó làm cho mình cảm thấy được sống trong thế giới văn minh, theo kịp sự tiến bộ của xã hội. Ngoài ra, môi trường ở đây rất thoáng đãng, phòng ốc sạch sẽ, cơ sở vật chất hiện đại, lúc nào cũng có máy lạnh mát mẻ, được tiếp xúc với những đồng nghiệp trẻ trung năng động nên tinh thần lúc nào cũng thoải mái và làm cho mình trở nên trẻ hơn, rạng rỡ hơn. Bên cạnh đó, việc thường tiếp xúc với những phụ huynh giàu có, giỏi giang, có cả những phụ huynh khó tính, khiến mình được trau dồi kĩ năng giao tiếp, thuyết phục và dám đối mặt với những khó khăn. Ở đây không có sự ganh đua, không có những hồ sơ sổ sách linh tinh, không áp lực về mặt thành tích nên giáo viên cũng không phải quá lo lắng. Nhưng điều đó không có nghĩa là học sinh yếu kém nhé. Vì khi giáo viên không cảm thấy bị áp lực thì học sinh cũng sẽ cảm nhận được điều đó từ giáo viên và các em sẽ học một cách chủ động hơn. Chính vì không có sự ganh đua nên các đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau, chứ không giấu nghề. Điều mình thích ở đây nữa đó chính là lương. Mình sẽ được trả lương theo đúng với năng lực của bản thân. Mình bỏ ra công sức bao nhiêu thì sẽ được nhận lại bấy nhiêu. Ở trường CL thì lại khác, lương được trả dựa theo thâm niên, ai công tác lâu năm thì lương cao, ai ít năm thì lương thấp. Chính vì lẽ đó tạo ra tâm lý không muốn thay đổi, trì trệ, ở những giáo viên CL lâu năm. Còn những giáo viên mới trong khi họ năng động hơn, giỏi hơn thì lương lại rất là bèo. Thật là bất công nhỉ!

Tuy vậy, không phải môi trường nào cũng là màu hồng và chắc chắn sẽ có những điều không như ta mong đợi. Việc của mình là giáo viên thì hãy cứ làm tốt công việc đi đã. Than vãn, trách móc chẳng làm mọi việc thay đổi mà còn khiến ta trở thành một giáo viên hay càm ràm, phiền toái và lạc hậu mà thôi.

2/ “Cho con học ở trường song ngữ QT thì sẽ không thể nào giỏi Tiếng Việt được.”

Thế nào là giỏi Tiếng Việt? Với trẻ con, học Tiếng Việt đơn giản là để có thể giao tiếp được với người xung quanh sao cho họ có thể hiểu được những gì con nói. Vốn từ con ít, từ ngữ con dùng chưa chính xác thì sẽ được hoàn thiện dần theo thời gian chứ không thể bắt con viết một bài tập làm văn lớp 3 như một học sinh lớp 5, hay bắt con có thể nói lưu loát giống như một MC truyền hình sau một vài tháng học tập. Quan trọng là con biết sử dụng câu từ như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp. Tùy vào mô hình khác nhau của các trường QT thì thời lượng học Tiếng Việt và ngôn ngữ khác sẽ không giống nhau. Nếu đã quyết định cho con vào học QT thì phải chấp nhận sẽ có một trong hai ngôn ngữ con học tốt hơn. Nếu ở trường, thời gian con học môn Tiếng Anh nhiều hơn thì đương nhiên con sẽ không có nhiều thời gian để nói Tiếng Việt. Vả lại, cách nói chuyện giao tiếp trong Tiếng Anh cũng không giống như Tiếng Việt. Trẻ chưa thể nào cân đối và chuyển đổi nhanh giữa hai cách giao tiếp này nên sẽ dẫn đến việc nhiều khi cha mẹ thấy con nói chuyện trống không và trách nhầm là con không lễ phép. Có trẻ cũng sẽ rơi vào tình trạng đang đọc lưu loát Tiếng Việt thì bỗng đọc vấp, phát âm sai. Phụ huynh cần hiểu vấn đề này để cho con có thời gian thích nghi dần. Và thời gian thích nghi sớm hay muộn cũng phụ thuộc vào chính cha mẹ nữa. Mình nghĩ lúc này cần nói chuyện thường xuyên với con hơn khi ở nhà. Không phải là nói chuyện kiểu: “Con phải chú ý lắng nghe trong giờ học chứ, con phải nghe cô giáo giảng bài chứ.” mà là nói chuyện kiểu tâm sự, hỏi han ấy để con được có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt, chẳng hạn như: “Hôm nay con học có vui không? Con thích học giờ nào nhất? Giờ học đó có gì làm con thích thú? Giờ ra chơi con chơi những trò chơi gì?”. Mà con đi học cả ngày mệt rồi, cũng đừng hỏi con nhiều về các kiến thức con học mà nên chú ý vào việc hỏi cảm xúc của con, suy nghĩ của con để nếu con có chuyện buồn thì nỗi buồn sẽ được giải tỏa, còn nếu chuyện vui thì niềm vui đó được tăng lên, giúp con cảm thấy yêu thích việc đến trường. Qua đó, cha mẹ và con cái cũng kết nối với nhau hơn, gia đình mới hạnh phúc, thiên hạ mới thái bình.

3/ “Sao chữ con càng ngày càng xấu thế?”

Một số cha mẹ cho rằng chữ con viết xấu và cho con luyện viết thêm ở nhà nhiều hơn mặc dù giáo viên cho rằng chữ viết của con như vậy là ổn. Đây là do cha mẹ kì vọng vào con quá nhiều. Con không phải là một đứa trẻ toàn tài. Hãy thử hình dung một ngày học của con ở trường là như thế nào? Ví dụ, con vừa học xong 2 tiết Tiếng Anh thì chuyển sang học tiếp 2 tiết Tiếng Việt. Cách viết chữ bên Tiếng Anh đơn giản, không có sự nối nét, nhấn nhá như Tiếng Việt. Cha mẹ hãy xem các bài viết của con ở khía cạnh: “Chữ con viết có đúng dòng kẻ không? Có dễ đọc không? Cách con viết, trình bày bài nhìn có rõ ràng không? Con có hoàn thành được bài không? Nội dung con viết có đúng với những gì được dạy không? Con có thể hiện được tính cách riêng của mình qua bài viết không? Con có thể hiện được chính kiến của mình trong bài viết không?” Nếu đa số câu trả lời là “Có” thì con đang học rất tốt, không cần phải quá lo lắng về chữ viết của con nữa. Quan trọng là viết ĐÚNG, chuyện viết ĐẸP là do mắt thẩm mỹ của người nhìn mà thôi. Nhiều khi cha mẹ đâu biết được là con đã phải cố gắng như thế nào mới có thể viết được như vậy! Các con học cũng vất vả lắm chứ không đơn giản như cha mẹ nghĩ đâu. Con đang viết kiểu này bên Tiếng Anh thì lại chuyển sang viết kiểu kia bên Tiếng Việt mà vẫn không nhầm lẫn được hai kiểu viết thì đó là con đã quá giỏi rồi, cha mẹ ạ!

4/ “Con đang học trường QT, sợ ra trường CL không theo kịp các bạn.”

Nhiều phụ huynh có quan niệm này lắm luôn! Mình cũng đã từng nghĩ như thế. Nhưng hãy nghĩ theo hướng ngược lại. Nhiều học sinh đang học trường CL chuyển vào trường QT cũng không theo kịp luôn. “Theo kịp” ở đây được hiểu ở khả năng hòa nhập với môi trường mới và trình độ học tập. Nếu chuyển ra trường CL, con sẽ có nhiều bạn hơn, có nhiều cơ hội được cọ sát, giao tiếp với nhiều bạn hơn, có thể số lần va vấp, trải nghiệm cũng tăng hơn nhờ đó con sẽ phát triển nhanh hơn. Thường ở trường CL, vào buổi chiều các con sẽ được ôn tập lại kiến thức của chương trình Tiếng Việt nên nếu bạn nào từ QT chuyển ra sẽ có thể chưa bắt kịp được tiến độ học tập đó. Và ngược lại, các bạn chuyển vào trường QT cũng thế. Các con sẽ mất ít nhất là 1 tháng để làm quen với nếp học tập mới và hòa nhập với môi trường mới. Ví dụ như: Con sẽ phải nhanh nhẹn hơn trong các hoạt động, con sẽ phải vận động nhiều hơn, di chuyển nhanh nhẹn hơn để đến kịp những phòng học của các môn năng khiếu à điều này giúp con rèn được kĩ năng sắp xếp thời gian hợp lý. Con sẽ buộc phải thể hiện ý kiến của mình thường xuyên hơn trong các hoạt động nhóm và tập thể nên nếu bạn nào tính cách vốn dĩ nhút nhát, ngại bày tỏ thì sẽ mất nhiều thời gian hòa nhập hơn. Và con sẽ phải nói Tiếng Anh nhiều hơn. Ở lớp, cho dù con đọc đúng hay sai, GV lúc nào cũng sẽ khen con đầu tiên: “Good jobs / Nice / Great”. GV không chú trọng việc con dùng ngữ pháp sai khi nói hay chú trọng việc con nói Tiếng Anh theo kiểu bồi mà họ chú ý vào việc con chịu tương tác và phát biểu trong giờ học. Việc sửa lỗi ngữ pháp sẽ dành riêng cho những tiết ngữ pháp. Vì thế khi học Tiếng Anh trong một môi trường mà ai cũng nói Tiếng Anh, một khi con chịu nói, con sẽ quen dần, không ngại miệng và dần dần sẽ phản xạ thật tự nhiên, bật ra một câu hoàn chỉnh cả về ngữ pháp và phát âm.

Vì vậy, cho dù con có đang học ở môi trường nào và khi chuyển sang môi trường khác, con cần có thời gian thích nghi. Thích nghi nhanh hay chậm cũng một phần do cha mẹ. Cha mẹ càng kì vọng, càng hối thúc, con sẽ càng thích nghi chậm hơn. Thường xuyên đặt câu hỏi về cảm xúc và suy nghĩ của con để con nói ra được những khúc mắc trong lòng sẽ giúp con dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn trong việc chuyển đổi này.

5/ “Con học trường QT sẽ ý kiến nhiều hơn mà không còn nghe ý kiến của cha mẹ nữa.”

Nếu con chịu nêu ý kiến của mình nhiều hơn thì đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy con đang phát triển tốt về mặt giao tiếp, sử dụng từ ngữ, có lập trường riêng và trên hết là con tin tưởng ở cha mẹ nên mới nêu ý kiến với cha mẹ. Tuy nhiên, ý kiến với thái độ như thế nào và sử dụng từ ngữ như thế nào là một chuyện khác. Ngày nay, việc cha mẹ áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ, bắt con phải làm thế này thế kia sẽ ngày càng đẩy con ra xa mình hơn. Con cần có quyền nêu lên ý kiến, suy nghĩ của mình. Cha mẹ hãy bình tĩnh lắng nghe và đừng cho rằng con đang cãi lại. Ở trường, con được dạy hãy thoải mái, tự tin thể hiện ý kiến của mình nhưng phải lịch sự và không tổn thương người khác. Nhưng ở nhà, cha mẹ lại không cho con được quyền đó dẫn đến việc con sẽ hoang mang không biết cách dạy nào là đúng. Hãy nghĩ đến những lợi ích mang lại của việc con thể hiện ý kiến cá nhân: Con sẽ dần biết được thể hiện như thế nào cho lịch sự, khi nào nên ý kiến, khi nào không nên, con sẽ có được nhiều cơ hội hơn những người chỉ biết im lặng, con sẽ phát triển kĩ năng giao tiếp nhanh hơn, con sẽ có được nhiều vốn từ hơn… Qua đó, cha mẹ sẽ hiểu được tâm tư của con, nguyện vọng chính đáng của con và có thể là những suy nghĩ sai lệch của con để cha mẹ có hướng điều chỉnh cho phù hợp.

6/ “Các cô ở trường QT nuông chiều lắm nên con học ở trường QT sẽ hư hơn, không tự lập được và hay ỷ lại.”

Điều này là sai nhé. Trẻ con trước khi được gửi đến trường thì vẫn đang sống trong vòng tay yêu thương của gia đình. Nếu cha mẹ đã dạy con thói quen tự lập và duy trì được nó thì không thể nào khi đến trường con lại trở thành một đứa trẻ hư, không tự lập và hay ỷ lại được. Những gia đình có con cái sống chung với ông bà/người giúp việc hãy suy nghĩ xem: cha mẹ có bận làm việc và để con cho ông bà/người giúp việc chăm sóc không? Nếu ban ngày đi làm, chiều tối về nhà, cha mẹ có chơi với con, cho con ăn, tắm rửa cho con, dạy con học không hay cũng để ông bà/ người giúp việc làm hết? Thậm chí mình đã từng thấy có gia đình, bà nội thì cứ chạy theo đứa trẻ 7 tuổi bảo ăn đi, còn cha mẹ thì cứ ngồi yên ở đấy chẳng nói gì mà cứ mải xem điện thoại. Mà đơn giản thôi là việc xách ba lô đi học. Khi đến trường, cha mẹ sợ con xách nặng, sợ con mệt, sợ con quên nên xách luôn cho con. Cha mẹ làm thế thì tất nhiên con sẽ xem việc cha mẹ xách đồ giúp con là lẽ đương nhiên, là chuyện mà cha mẹ phải làm chứ không phải việc của con. Để rồi, có hôm cha mẹ quên thì lại quay sang trách con: “Sao có cái ba lô mà con cũng không nhớ mang theo?”

Mà ở trường QT không có chuyện các cô nuông chiều đâu cha mẹ nhé! Nếu có thì đó là các cô dạy con bằng cách dùng lời nói nhẹ nhàng để dạy dỗ con và cũng sẽ nghiêm khắc trong những trường hợp cần thiết. Vì lớp học ít học sinh nên các cô sẽ có thời gian nhiều hơn cho từng bạn. Các con cũng sẽ được dạy ăn xong phải dọn khay, dọn ghế thế nào? Khi ra về, bàn học và chỗ ngồi phải sạch sẽ ra sao? Ngủ dậy, phải tự xếp nệm và túi ngủ thế nào cho nhanh chóng? Do đó, nếu ở nhà, các con đã có thói quen làm những việc như thế này thì khi ở trường, chuyện này sẽ trở nên dễ dàng với con, con sẽ không mất nhiều thời gian và luôn bắt nhịp chung với nhịp sinh hoạt của lớp. Còn nếu không có thói quen đó, con sẽ phải chật vật hơn, mất nhiều thời gian hơn, trong khi các bạn khác đã làm xong và tham gia hoạt động khác thì con vẫn đang loay hoay với nhiệm vụ của mình. Tất nhiên sẽ có những đứa trẻ do đặc điểm sinh học là làm gì cũng từ tốn, chậm rãi thì cha mẹ cần phát hiện sớm để rèn cho con làm thành thạo ở nhà, như thế con sẽ không gặp khó khăn khi ở trường và cả khi tham gia những chuyến dã ngoại do trường tổ chức.

Trên đây chỉ là một số vấn đề thường hay gặp và phụ huynh thường hay thắc mắc. Con mình cũng theo học trường QT và mình thấy ở con niềm vui mỗi ngày đến trường. Với mình như vậy là đủ. Vì khi con vui, con sẽ thấy việc đến trường, việc học là tự nhiên, không phải ép buộc, thúc giục. Kiến thức con tiếp thu được, có thể hôm nay con nhớ, mai con quên cũng là chuyện bình thường vì con chưa có nhiều trải nghiệm về việc vận dụng kiến thức đó nên quên cũng là lẽ dĩ nhiên. Cho dù cha mẹ quyết định cho con học ở đâu thì môi trường giáo dục từ gia đình vẫn là nền tảng đầu tiên, là những viên gạch đầu tiên để giúp con xây dựng cuộc đời mình.


Hà Koala - 08/07/2022

(Ảnh: Pinterest)