VIẾT - DỄ ÍT
HAY DỄ NHIỀU?
Bạn có sợ viết không?
Bạn có rơi vào tình huống không biết viết gì hay không?
Bạn có bị bí ý tưởng khi viết không?
Vậy “VIẾT: DỄ ÍT hay DỄ NHIỀU?” Sở dĩ mình dùng từ “DỄ” và “ÍT – NHIỀU” để thấy đây là điều mà ai cũng có thể làm được (trừ khi họ không biết chữ). Đối với học sinh cũng thế, nếu hôm đó có 3 bài tập và bài cuối sẽ là bài khó. Mình sẽ giảng lần lượt từng bài từ một đến ba. Đến bài khó, mình cũng sẽ bắt đầu như bình thường, chứ mình không nói: “Đây là bài khó, các con lưu ý nhé!”. Vì mình thấy có nhiều giáo viên thường hay rào trước như thế. Đối với mình, điều này không hay. Khi mình nói “KHÓ”, tức là mình đang tự đặt tiêu chuẩn của mình cho bài tập đó và vô tình mình đã gieo vào đầu học sinh tâm lý lo lắng. Nếu như đó là học sinh tiếp thu chậm hay nhút nhát thì việc làm đó lại càng khiến em ấy “đóng não” lại ngay lập tức và cảm thấy không thể tiếp thu bài này nữa. Do đó, mình cứ giảng như bình thường, đến cuối mình cũng sẽ hỏi: “Bài này dễ ít hay dễ nhiều?” Vì đã được nghe giảng nên học sinh sẽ trả lời “Dễ ít” hoặc “Dễ nhiều” tùy theo trình độ của mỗi em. Cũng giống như việc viết, nếu chính bản thân mình cho là KHÓ thì chính mình cũng đã tự làm giảm đi khả năng của bản thân mình.
Sau đây là cách mình viết dựa theo những trải nghiệm của bản thân mình:
1/ Điểm chạm của mỗi người khi nghe hoặc đọc một bài viết là sẽ khác nhau, có thể mình sẽ giống điểm chạm với người này hoặc người kia nhưng có thể không giống ai cả hoặc có khi chưa phát hiện ra điểm chạm nào. Hãy nghĩ và cứ viết xuống điểm chạm, chạm ít hay chạm nhiều cũng được. Biết đâu trong khi viết xuống những suy nghĩ miên man, linh tinh đó, bạn sẽ phát hiện ra được những điều thú vị về bản thân mình.
2/ Trong khi xem hoặc đọc, mình sẽ ghi chú lại các kiến thức từ đó. Nếu kiến thức đó nó vô tình liên quan đến trải nghiệm nào trong quá khứ hoặc đó là mong muốn của mình trong tương lai, mình note lại ngay bằng bút chì bên cạnh dưới dạng các từ khóa. Sau khi kết thúc việc nghe hoặc đọc, những từ bút chì được viết ấy sẽ chính là ý tưởng để viết bài.
3/ Khi nghe hoặc đọc, điều quan trọng là chỉ đặt những câu hỏi và viết những gì liên quan đến việc nghe hoặc đọc được, ví dụ như:
Hôm nay mình đọc gì?
Bài đọc đó có hình ảnh nào làm mình thích thú?
Hình ảnh đó hiện lên khi đến đoạn kiến thức nào?
Mình thích nhất phần kiến thức nào?
Tại sao mình lại thích phần đó?
Phần mình thích có phải là điều mình đang làm tốt không hay là điều mà mình đang muốn khắc phục?
Tình huống trong bài học mình đã từng trải qua chưa? Lần đó mình đã làm gì?
Nếu mình chưa trải qua thì mình sẽ làm gì khi gặp tình huống đó?
4/ Thường xuyên đọc bài viết hay của các chị em, đọc luôn cả phần bình luận để có góc nhìn đa chiều hơn. Nếu thấy trong bài viết của họ có điều hay khiến mình tâm đắc, copy đoạn đó lại lưu vào trong điện thoại hoặc máy tính để đọc lại khi có thời gian và cũng để suy ngẫm.
5/ Nếu ý tưởng đến bất chợt thì note lại ngay vào điện thoại. Nếu lúc đó không thể note được thì cố gắng biến các ý tưởng đó thành từ khóa, tối đa là 5 từ và tự lặp lại trong đầu mình: mình có 5 ý, ý thứ nhất là…, thứ hai là…, …, thứ năm là…. Bất cứ lúc nào nếu nhớ thì nói trong đầu, mình có 5 ý, lặp lại 5 ý đó không theo thứ tự cũng được.
Đây là một số cách mà mình vận dụng để viết bài và mình thấy nó hiệu quả với bản thân mình. Còn bạn thường dùng cách nào?
Hà Koala - 12/6/2022
(Ảnh: Pinterest)