SỰ TỰ TIN

Trong cuộc sống, bạn có thần tượng một ai đó không? Một ca sĩ, một diễn viên, một danh nhân hay một người thân của bạn? Thần tượng của mình chính là MẸ mình. Cũng như bao người mẹ khác, mẹ mình thương yêu, dạy bảo mình theo cách của riêng mẹ. Và sự tự tin mà mình có được là do chính mẹ là người đã góp phần hình thành nên. “Tự tin là cách bạn bị/được đối xử mỗi khi làm sai.” Mình có rất nhiều kỉ niệm đẹp với mẹ. Nhưng mình nhớ nhất hai lần mẹ đã truyền sự tự tin cho mình. 

Lần thứ nhất là năm mình học lớp 8. Hôm ấy, lớp mình có giờ học Tiếng Anh về việc chia động từ ở thì hiện tại đơn. Cô giáo ra câu hỏi nhưng chưa bạn nào trả lời được. Đến khi cô gọi mình thì mình cũng không chắc chắn lắm vào câu trả lời nhưng cô hỏi thì cứ trả lời thôi. Và mình là học sinh duy nhất trả lời đúng câu hỏi đó. Khỏi phải nói là mình vui sướng cỡ nào. Vì trong lớp có bạn học còn giỏi hơn mình nhiều lại không trả lời được. Về nhà, lúc mẹ vừa nấu ăn, mình vừa kể lại cho mẹ nghe. Mình kể rất chi tiết: cô hỏi cái gì, lần lượt các bạn trả lời ra sao, cô nhận xét thế nào, đến khi mình trả lời thì mình đã nói gì, mình chia thì hiện tại đơn ra sao, vì sao mình lại dùng từ vựng đó mà không phải từ vựng khác. Mẹ mình lắng nghe vô cùng chăm chú. Những lúc mình cao giọng lên vì vui thì mình thấy mắt mẹ mình cũng sáng lên. Sau khi kể xong, mình hỏi mẹ thấy mình có giỏi không, mẹ có vui khi mình học tốt không? Mẹ nói mẹ vui lắm. Mẹ còn động viên mình cố gắng học Tiếng Anh cho giỏi nữa. Nhưng các bạn biết không? Mẹ mình không hề biết một chữ tiếng Anh nào cả. Mình biết chắc chắn mẹ sẽ chả hiểu always là gì, often là gì, hiện tại đơn là gì. Thế nhưng khi mình kể, mẹ vẫn rất cực kỳ chăm chú lắng nghe. Mẹ không hề ngắt lời mình để hỏi chữ tiếng Anh đó có nghĩa là gì? Vì mẹ biết ý nghĩa của những chữ đó không quan trọng bằng việc mẹ đang cảm nhận niềm vui của mình. Điều đó làm mình thấy mình rất quan trọng với mẹ. Niềm vui của mình là niềm vui của mẹ. Mặc dù mẹ không hiểu những gì mình học trên lớp nhưng việc mẹ chăm chú lắng nghe là một cách mẹ đồng hành với việc học của mình ở trường, là cách mẹ nuôi dưỡng niềm say mê học tập trong mình và là cách mẹ dần dần hình thành cho mình sự tự tin.

Còn lần thứ hai là lần mình thi đại học. Mình chọn thi sư phạm vì đi học sẽ không phải đóng tiền. Mình chọn Đại học Sư Phạm, Khoa học Xã hội và Nhân văn và Cao đẳng Sư phạm. Từng trường một báo điểm về. Mình trượt hết cả hai trường đại học và mình biết bố mẹ cũng rất buồn. Cả nhà chờ kết quả cuối cùng của trường cao đẳng. Và mình cũng trượt nốt. Hôm biết kết quả, mình đã rất lo lắng xen một chút sợ hãi. Mình sợ bố mẹ sẽ la mình vì mình biết bố mẹ đã phải chi rất nhiều tiền để thuê giáo viên về nhà cho mình luyện thi. Chiều hôm đó, mình nhắc ghế ra cửa nhà ngồi chờ bố mẹ đi làm về. Mình càng chờ, càng sợ, càng run, càng buồn. Bố mẹ vừa về, thấy mình ngồi ngay cửa, mẹ hỏi ngay sao mình lại ngồi ở đây? Mình nhớ rõ lúc đó đã nói: “Dạ rớt nữa rồi mẹ.” rồi cúi gằm mặt xuống. Thế nhưng, mẹ đã ôm mình vào lòng, xoa lưng mình, hôn mình và nói: “Không sao con, rớt thì năm sau thi lại. Mẹ thấy con cũng đã cố gắng lắm rồi. Đêm nào cũng thức khuya học bài, có khi còn ngủ quên trên bàn học nữa. Có thể con chưa may mắn thôi.” Đó là câu nói vô cùng giá trị và có ý nghĩa với mình. Mẹ không hề nhắc đến việc mình thi rớt thế nào mà mẹ nhắc đến những việc mình đã cố gắng. Mẹ không trách móc hay la mắng mình mà mẹ ghi nhận những nỗ lực của mình cho việc học. Chính những điều đó đã làm mình có thêm sức mạnh và động lực để trong những năm đại học sau đó, có những lúc mình chán nản với việc học, nghĩ đến mẹ mình lại cố gắng phấn đấu hơn. Mình cảm ơn mẹ đã làm tăng thêm sự tự tin trong con người mình.

Chính vì vậy, khi mình có con, mình cũng đã dạy con như ngày xưa mẹ mình đã dạy mình. Mình tập trung vào việc ghi nhận những gì con làm được. Động viên, khen ngợi khi con làm tốt và nhắc nhở khi con làm sai. Còn những điều con chưa làm được hoặc làm chưa tốt, nhiều lúc mình cũng bực bội chứ, cũng la mắng con chứ, cũng có khi mất bình tĩnh chứ. Và sau những lần đó, mình đều tự rút ra bài học cho bản thân và mình biết rất khó để có thể thay đổi. Nhưng mình tập, mỗi ngày một ít một. Mình tập và nhờ sự trợ giúp của chính con mình. Hai mẹ con mình có một thỏa thuận với nhau, đó là khi một trong hai người bắt đầu nóng giận lên, mặt nhăn lại hoặc cau có thì người kia sẽ nhắc: “Mẹ/Mi ơi, mẹ/Mi bình tĩnh lại nha.” Mình thấy cách đó rất hiệu nghiệm với hai mẹ con mình và số lần nóng giận càng ngày càng giảm xuống.

Cảm ơn mẹ đã dành cho mình những bài học quý giá từ những ngày mình còn rất trẻ.


Hà Koala - 17/8/2022

(Ảnh: Pinterest)