QUẢN TRỊ CHÍNH MÌNH

Đó là lần nói chuyện của hai mẹ con Hà cách đây hơn nửa năm. Sau bao nhiêu lần thuyết phục con ngủ một mình chưa được thì đến hôm đó, con đã đề xuất như vậy. Không hiểu sao, lúc con nói ra điều đó, tâm trạng Hà bỗng nhiên thấy hụt hẫng. Bao nhiêu suy nghĩ bay đến như cơn gió: con có chuyện gì à?, con không còn muốn ngủ với mình nữa à?, con không cần mình nữa ư?... Nhưng rồi, Hà biết đó tất cả là những gì mình đang suy diễn, khi nghĩ rằng con đẩy mình ra xa và cho rằng mình không còn quan trọng với con nữa. Chính những suy diễn đó khiến Hà thấy thật khó chịu và hụt hẫng. 


Đến lúc tạm biệt con đi ngủ, Hà vẫn còn mang tâm trạng đó vào giấc ngủ của mình. Thế rồi, Hà bắt đầu suy nghĩ về vấn đề đó và nhận ra rằng: “Ồ thì ra con đã có một bước chuyển mình, con đã tự nhận thức và biết bày tỏ mong muốn của con. Con đang muốn chứng minh rằng: con đã lớn. Thế thôi! Vậy mà mình lại có những suy nghĩ như vậy? Phải chăng mình đã tự đặt kì vọng cho bản thân là con sẽ không ngủ được nếu không có mình? Con cũng phải có đời sống của riêng con chứ!”. Sau khi tự trả lời cho bản thân những câu hỏi này, Hà cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều. 


Câu chuyện này được trỗi lại khi Hà xem buổi live mà cô giáo của Hà tổ chức. Buổi live hôm ấy nói về việc quản trị sự kì vọng. Nó làm Hà liên tưởng đến nhiều khía cạnh khác trong đời sống hàng ngày của mình:


1/ Sống quá chú ý vào cảm xúc của người khác:

Đây là điều sẽ làm chúng ta mất đi chính mình và không còn bản sắc riêng nữa. Tại sao chúng ta phải làm vui lòng người khác trong khi chính mình lại cảm thấy không thoải mái và thậm chí có cả sự bực mình khi làm điều đó? Hà chợt nhớ đến lời của bài hát “Bài này nghe chill phết” của Đen Vâu và không biết các bạn có nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong lời bài hát đó không?


"Em dạo này ổn không? Còn đi làm ở công ty cũ?

Còn đi sớm về hôm nhưng mà đồng lương vẫn không khi đủ

Đồng nghiệp của em thế nào, trong thang máy có chào với nhau?

Có nói qua nói lại và những cuộc họp có đào bới nhau?

Sếp của em thế nào? Dễ tính hay thường gắt gỏng?

Anh ta có thương nhân viên hay thường buông lời sắc mỏng?

Em còn thiếu ngủ trong những lần phải chạy deadline.

Em quên ăn quên uống, quên cả việc chải lại tóc tai."

 

Nếu bạn đang phải làm việc ở một nơi như thế thì liệu nơi đó có xứng đáng để bạn cống hiến hay không? Bạn phải nhìn sắc mặt anh trưởng phòng này, bà trưởng phòng kia để làm việc mà không dám bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình vì bạn sợ. Cũng như trong gia đình, bạn phải chú ý đến việc mẹ chồng có thích không, chồng mình có hài lòng không? Nếu không, bạn sẽ thấy như mình có lỗi. Chính mỗi một lần bạn cho qua như thế, mỗi lần bạn nghĩ trong đầu “Không sao, mình ổn mà!” hoặc “Chắc là mình làm chưa tốt.” đó chính là bạn đã thỏa hiệp, chấp nhận đồng ý để họ từng bước leo thang và kiểm soát chính bạn. Bạn cần phải thành thật với cảm xúc của chính mình để không ngược đãi bản thân. Hãy bày tỏ ý kiến, cảm xúc của bạn một cách chân thành, đúng mực để bạn vẫn được là chính bạn và để đối phương hiểu rằng đâu là giới hạn của bạn mà họ không được phép vượt qua. Đó cũng là cách bạn dạy con mình tự biết bảo vệ bản thân, tránh khỏi những bắt nạt học đường và sự mạnh mẽ trong nội tâm.

2/ Tạo cho bản thân không gian riêng:

Một năm trở lại đây, trong một ngày, khoảng thời gian Hà thích nhất đó chính là giờ tự học. Để giờ học được hiệu quả, Hà phải giải quyết trước đó những việc cá nhân và gia đình. Hà muốn khi Hà ngồi xuống học là lúc Hà phải được là chính mình, được học cái mình thích và không ai được phép quấy rầy Hà những lúc ấy. Muốn như vậy, Hà chọn khung giờ học phù hợp với lịch sinh hoạt của gia đình. Đó là lúc con gái nhỏ của Hà đã đi ngủ. Khỏi phải nói là ngày nào Hà cũng háo hức đến giờ con đi ngủ chỉ để được học. Còn đối với con gái lớn, ngay từ khi con học lớp 1, vào những lúc con học bài, Hà cũng không làm phiền con, không ngồi chơi game cạnh con, không mở tivi, không làm ồn ào… Hà làm thế để con hiểu giờ học là quan trọng, là cách mẹ thể hiện sự tôn trọng của mẹ với việc học của con và cũng để con hiểu rằng chính con cũng phải làm điều đó với người khác.


Ngay từ nhỏ cho đến nay, bên cạnh việc dành thời gian chất lượng cho con, Hà cũng cho con có không gian của riêng mình để con được tự chơi, tự trải nghiệm và tự nhận thức. Vậy đời sống vợ chồng thì thế nào? Gia đình nào có con nhỏ sẽ hiểu được sự khó khăn khi vợ chồng dần mất đi khoảng thời gian được tự do, thoải mái. Vì thế, Hà đã có thỏa thuận với chồng về việc tự mỗi người cần có không gian riêng. Không phải cứ lúc nào ở bên nhau mới gọi là yêu nhau. Trong một tuần, hai vợ chồng sẽ thay phiên nhau có 1 ngày cho riêng bản thân để được làm điều mình thích, đi đâu đó thì đi mà không phải lo nghĩ về gia đình, con cái vì đã có người còn lại ở nhà phụ trách. Đó là một ngày cực kì ý nghĩa và giúp bản thân mỗi người được nạp năng lượng rất nhiều. Hà sẽ có thể là đi gặp bạn bè hoặc có khi là mang máy tính ra quán cà phê mình thích ngồi học. Thú vị lắm lắm luôn! Cảm giác vô cùng đã, đã và đã. Nếu chưa, bạn hãy thử đi, chắc chắn bạn sẽ thấy như mình là người tự do nhất trên thế giới này ấy.

3/ Hãy thuyết phục người khác bằng chính trải nghiệm của mình:

Hai tuần trước, Hà có đi chơi với hai người bạn cũ cũng đã mười mấy năm rồi mới gặp lại. Tụi Hà không ôn lại chuyện ngày trước là mấy mà chỉ nói về cuộc sống hiện tại và những dự định tương lai. Với Hà, buổi nói chuyện ấy rất chất lượng vì Hà thu hoạch được nhiều thứ cho bản thân mình. Và quan trọng nữa là tuy đã lâu không gặp nhau nhưng sự tương tác giữa tụi Hà không hề ngượng ngập, mất tự nhiên mà trái lại có những lúc rất cao trào và đầy hứng khởi nữa.


Trong khi Hà nói chuyện với A thì B sẽ ngồi nghe, thỉnh thoảng góp vào vài câu rồi xem điện thoại. Còn khi Hà nói chuyện với B thì A sẽ im lặng quan sát và Hà cảm nhận là bạn A ấy rất chăm chú vào cuộc trò chuyện, mặc dù nó không liên quan đến bạn ấy. Hà học được gì? Đó là bài học về sự tôn trọng những người tham gia vào trong cuộc đối thoại.


Cuộc trò chuyện kéo dài gần 4 tiếng và bạn A ấy đã vô cùng hào hứng khi chia sẻ những hiểu biết của bạn. A hiện được xem là có sự nghiệp thành công nhất trong tụi Hà. Bạn ấy chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân ở mức độ vừa phải, không khoa trương, màu mè. Bạn ấy cũng không đưa ra lời khuyên khi Hà và người bạn kia chưa hỏi đến. Và khi đưa lời khuyên, bạn ấy cũng chỉ ra những mặt được và chưa được nếu thực hiện lời khuyên đó. Điều đó giúp Hà có cái nhìn tổng thể hơn về các vấn đề của cá nhân mình. Vậy tại sao bạn ấy lại có thể làm được như thế? Vì bạn đã có trải nghiệm qua những việc đó nên khi bạn đưa ra lời khuyên, nó mang tính thuyết phục rất cao. Nó giống như cảnh sát đã thu thập tất cả bằng chứng thì tên tội phạm khó mà thoát được.

 

--------

Cuộc sống như một bản nhạc, sẽ luôn có những nốt thăng, nốt giáng làm cho giai điệu của nó trở nên sống động hơn. Nếu gặp nốt giáng, hãy tập hát nó như khi bạn gặp nốt thăng. Hãy chọn đối mặt và dũng cảm chấp nhận vượt qua để tiến về phía trước. Hà may mắn và biết ơn vì có được một người thầy truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh để Hà sống cho chính mình và sẽ sống một cuộc đời mình mơ ước. 


Hà Koala - 08/07/2023

(Ảnh: Pinterest)