NỮ QUYỀN

Hà muốn kể với các bạn câu chuyện của chính mình và Hà tin chắc rằng, một trong số các bạn sẽ thấy đâu đó hình ảnh của mình trong câu chuyện này.

Trước khi lập gia đình, Hà được sống trong sự yêu thương, chiều chuộng của bố mẹ và anh trai. Đến khi kết hôn, Hà dọn về sống với gia đình nhà chồng. Đó là một ngôi nhà khá rộng rãi với ba tầng lầu và vợ chồng Hà ở trong một căn phòng gần 15m2 nằm ở tầng 2. Nhà chồng Hà “ít” người lắm, tính luôn Hà sẽ là 11 người, có nghĩa là ba thế hệ cùng chung sống với nhau và mỗi hộ gia đình nhỏ sẽ có không gian riêng là một phòng như vợ chồng Hà. Chồng hơn Hà 16 tuổi và là con út trong nhà nên khoảng cách giữa Hà và các anh chị rồi đến mẹ chồng giống như bằng khoảng cách giữa Hà với mẹ ruột và bà ngoại. Khi đó Hà 27 tuổi và chỉ lớn hơn đứa cháu chồng 3 tuổi.

Gia đình chồng là người Bắc truyền thống còn Hà là người Nam nên cũng có những khác biệt về lối sống, văn hóa một cách nhất định. Chồng Hà là người hướng nội nên cực kì ít nói. Vốn chưa bao giờ ở chung với nhiều người như thế nên thời gian đầu Hà cảm thấy vô cùng lạc lõng. Có những hôm hai vợ chồng giận nhau, Hà thường xách xe đi lang thang cho thư thả hơn rồi về nhà. Hà trước nay vốn là người thẳng thắn, nghĩ thế nào nói thế ấy, Hà không cả nể, không phải kiểu người rào trước đón sau, cũng không phải kiểu người mượn hình ảnh này để bóng gió nói về hình ảnh kia và cũng không thích nói nhiều về mình với người khác. Hà biết nhiều lúc mẹ chồng rất khó chịu vì tính cách đó của Hà. Bà bộc lộ rõ sự không hài lòng đó bằng nhiều cách khác nhau và Hà, tuy bên ngoài mạnh mẽ là thế nhưng bên trong Hà lại rất nhạy cảm, Hà có thể nhận thấy được bà đang không đồng ý khi Hà làm như thế. Hà chỉ ví dụ đơn giản là Hà đi có việc và trước khi đi có báo với bà là: “Dạ con đi công chuyện chút con về.” Thế nhưng bà không thích, bà muốn Hà phải nói rõ cụ thể là Hà đi đâu? Đi công chuyện tức là đi làm gì? Bởi vì, trong gia đình, ai cũng làm như thế cả nên khi Hà không như vậy, bà sẽ không vui. Và đó là một trong số những điều mà Hà cảm thấy mình mất đi sự tự do.

Cho đến khi con Hà được 3 tuổi, Hà ngày càng cảm thấy sự bức bối trong chính cuộc sống của mình. Hôm nào cuối tuần vợ chồng Hà muốn đi đâu đó chơi và không ăn cơm ở nhà là bà sẽ cực kì khó chịu với Hà. Bà muốn tất cả mọi việc trong nhà, bà là người quán xuyến và không ai được vượt ra khỏi quỹ đạo đó. Hà không đề cao mình nhưng Hà cảm nhận được, từ khi Hà về chung sống, bà sẽ thấy mình như bị mất đi cái quyền đó. Vợ của anh trai lớn cũng khuyên Hà đừng làm thế này, đừng làm thế kia vì bà không thích. Chị cũng không thích nhưng để bà vui chị vẫn phải làm. Những lúc ấy, Hà nghĩ thầm, tại sao lại có những điều vô lý như thế diễn ra trong ngôi nhà này suốt mấy chục năm qua?

Rồi đến những ngày gia đình có giỗ, có tiệc, Hà và các chị em khác trong nhà sẽ phụ trách nấu nướng, dọn dẹp. Nhà đông người nên khối lượng công việc chuẩn bị cho bếp núc cũng nhiều nhưng mỗi người một việc thì cũng không đến nỗi. Nhưng điều Hà muốn nói đến đó chính là lúc ngồi vào bàn ăn: không được dùng một bữa trọn vẹn từ đầu đến cuối. Lúc thì phải đứng lên lấy quả chanh, khi thì trái ớt, khi thì chén nước mắm. Mà có phải là lấy cho mình, lấy cho những người đàn ông đang ngồi trong bàn ăn ấy. Những lần đầu tiên, Hà không để ý lắm nhưng càng về sau, Hà càng thấy bực mình. Phụ nữ đã phải đi chợ, đứng mấy tiếng đồng hồ để sơ chế, nấu nướng và dọn dẹp. Thế mà đến giờ ăn, họ lại còn phải làm những việc lặt vặt đó, còn đâu cảm giác ngon miệng nữa. Và chính trong thời khắc Hà nhận ra điều này, có một thứ gì đó nó dậy lên mạnh mẽ trong tâm thức Hà và nó khiến Hà đi đến một quyết định mà trước đây chưa bao giờ Hà nghĩ đến. Đó chính là Hà phải THOÁT KHỎI CHỖ NÀY. Hà muốn vợ chồng con cái Hà sẽ cùng nhau sống ở một căn nhà khác, nơi mà Hà có thể được tự do làm những điều mình muốn và quan trọng là Hà được dạy con theo cách của mình mà không bị những người xung quanh can thiệp vào. 

Gia đình chồng Hà có sai không? Họ có quá đáng hay vô lý không? Hà nghĩ họ không thấy như vậy vì họ đã sống như thế mấy chục năm rồi. Đó là nếp sống, là văn hóa, là cách nghĩ của gia đình mà Hà sẽ không bao giờ thay đổi được. Mẹ chồng Hà có bảo thủ quá không? Hà cũng nghĩ là bà không cho mình như thế. Bà can thiệp vào cuộc sống của từng thành viên, bà can thiệp vào cách dạy con của vợ chồng Hà, thậm chí bà còn không đồng ý cho con Hà đi nhà trẻ vì bà bảo con còn bé quá, không yên tâm cho đi học. Bà làm như thế vì bà nghĩ đó là cách bà thể hiện sự yêu thương của bà với con cháu. Có thể với bà, bà thấy thoải mái nhưng với Hà, đó lại là sự chiếm đoạt tự do cá nhân. Vậy Hà phải làm gì để bà thay đổi và nhận ra điều này? Các bạn nghĩ Hà có thành công không khi tìm cách thuyết phục một người phụ nữ tám mươi mấy tuổi thay đổi quan điểm sống? Hà không làm thế các bạn ạ! Vì Hà biết nếu làm thế, người tổn thương nhiều nhất và cũng sẽ cô đơn nhất trong hành trình đó sẽ chính là Hà. Vì vậy, Hà chọn cách sẽ thuyết phục chồng Hà ra ở riêng.

Hà mất 4 năm cho quá trình chuẩn bị ra ở riêng đó. Tài chính tất nhiên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vợ chồng Hà về khoản tiền bạc thì rất rõ ràng. Hai vợ chồng mỗi tháng thu nhập bao nhiêu thì người kia cũng biết hết nhưng lương của ai thì người đó giữ. Vợ chồng Hà thỏa thuận với nhau về các khoản chi tiêu trong nhà. Mỗi người đều trích 50% từ quỹ lương của mình để thanh toán các khoản chi tiêu đó. Hà lấy ví dụ thời điểm mua nhà trả góp. Hà sẽ lo tiền chợ, tiền học cho con, các khoản sinh hoạt cơ bản khác. Còn chồng Hà sẽ lo tiền điện nước và tiền trả góp hàng tháng cho ngân hàng. Hà thấy làm như vậy để mỗi người phải có trách nhiệm cho các khoản chi tiêu. Một số người bạn của Hà thì thường là chồng sẽ đưa tiền cho vợ. Người vợ sẽ tự cân đong đo đếm sao đó để có thể chi tiêu hợp lý. Như vậy, Hà thấy gánh nặng sẽ đè thêm lên vai phụ nữ. Họ đã vốn phải đi làm, về nhà lo chợ búa cơm nước, nay còn phải lo chi tiêu làm sao để không thiếu hụt, như vậy thật sự rất mệt mỏi và căng thẳng.

Hà bắt đầu san sẻ việc nhà nhiều hơn với chồng. Thông thường, mỗi khi ăn tối xong, mẹ chồng hoặc Hà sẽ là người rửa chén. Hôm nào Hà rửa, Hà sẽ rủ chồng Hà làm chung. Lúc đó, trời ơi, đôi mắt của mẹ chồng chính xác là hình viên đạn luôn. Nhưng Hà cũng mặc kệ vì Hà nghĩ đến tương lai nếu ra ở riêng thì đây là những việc chồng Hà phải làm. Rồi Hà tập cho chồng Hà nấu ăn, nấu vài món đơn giản thôi vì dù sao chồng Hà cũng không ăn uống cầu kì lắm. Lúc này, mẹ chồng Hà nhảy vào và nói để bà nấu. Nhưng cũng thật may là chồng Hà vẫn kiên quyết từ chối. Chắc vì vậy bà càng bực mình hơn.

Song song đó, Hà cũng bắt đầu tập dần cho con Hà tính tự lập. Do sống chung với bà nội và các bác nên con rất được thương yêu và cưng chiều. Mỗi lần Hà nói con phụ mẹ dọn bàn ăn, gấp quần áo hay chuẩn bị đồ đi học thì đều bị bà và các bác nói: “Nó còn bé mà sao cứ bắt nó làm?”. Những lúc ấy thật sự Hà sôi máu lắm nhưng Hà phải kiềm chế lại. Lúc ấy thay vì nghe theo lời người lớn thì Hà quay sang khen và động viên con: “Mi giỏi quá, Mi biết dọn đũa rồi nè” hoặc “Mi nhanh quá ta, mới đó mà đã chuẩn bị xong đồ đi học rồi.” Đáp lại Hà lúc đó là ba chữ: “Ối giờiiiiiiiiiiiiiiiii ơi!”. Nhưng rồi Hà cũng mặc kệ vì Hà nghĩ sau này con sẽ không có bà và bác để mà giúp con làm những việc đó. Bây giờ tập dần dần, con sẽ thành thạo theo thời gian.

Và cứ thế, Hà dần dần rèn luyện cho con, cho chồng và cho chính bản thân Hà. Hà phải vượt qua tất cả những lời trách móc bóng gió và những cái nhìn đầy khó chịu của mẹ chồng và chị chồng. Và cái chính, Hà phải vượt qua cả những lúc yếu lòng nhất của bản thân khi thấy không khí gia đình căng thẳng, nghĩ rằng thôi mình cứ để như thế, khi nào ra ở riêng thì tập luyện cho con và chồng sau cũng được. Nhưng điều khiến Hà giữ vững niềm tin, theo Hà nó đến từ nghề nghiệp giáo viên của mình. Đi dạy bao nhiêu năm, Hà đã chứng kiến rất nhiều học sinh không biết làm một thứ gì cả. Ngủ dậy đến gấp cái chăn cũng không được, lúc khó khăn không biết cất lời với ai để nhờ hỗ trợ, khi bị bạn bè bắt nạt chỉ biết ngồi khóc, ăn trưa xong hoặc khi đứng lên rời khỏi chỗ ngồi cũng không biết phải xếp ghế vào… Chính vì thế, Hà không muốn con mình sẽ trở thành một phiên bản như vậy.

Và khi vượt qua tất cả những điều đó rồi, Hà đã tự tạo ra cho Hà một phiên bản khác. Đó chính là sự thay đổi mạnh mẽ về cảm xúc. Nó ngày càng trở nên chai lì hơn, ít mủi lòng hơn, không dễ dàng bộc lộ sự yếu đuối hay dễ dàng rơi nước mắt như trước. Nó khiến Hà trở nên tự tin hơn rất nhiều, giúp Hà dám tự đối đầu với những khó khăn trong công việc và nhờ đó thành công hơn trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Hà cũng nhận ra rằng khi mình độc lập về tài chính, sống không phụ thuộc chồng, dám bày tỏ ý kiến cá nhân một cách đúng mực thì chắc chắn không ai làm gì mình được cả. Có thể họ không thích mình cũng chẳng sao vì bản thân mình cũng có thích họ đâu. Mình không nhất thiết phải làm hài lòng hết tất cả, mình cũng chẳng cần phải là con dâu quốc dân. Mình chỉ cần làm đúng bổn phận, trách nhiệm của mình, thế là đủ rồi.

Câu chuyện này Hà đã giữ rất lâu rồi và chưa muốn chia sẻ ra vì nó gợi cho Hà nhớ đến khoảng thời gian có những kỉ niệm không vui ấy. Nhưng hôm nay, Hà quyết định nói về nó vì Hà không muốn mình giữ mãi trong lòng tất cả những điều này. Bây giờ, vợ chồng Hà đã ra ở riêng được 3 năm. Cảm giác tự do nó thật mãn nguyện làm sao. Nhưng dù sao, Hà cũng phải cảm ơn 10 năm đó đã tạo nên Hà ngày hôm nay. Cảm ơn nếp sống lành mạnh, khoa học của nhà chồng khiến Hà cũng trở thành một người có kỉ luật về thời gian. Cảm ơn cuộc sống chung ấy giúp Hà rèn được sự bình tĩnh khi gặp chuyện không như ý, giúp Hà dần có được cách cư xử hòa nhã hơn.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi câu chuyện của Hà. Thế còn bạn, bạn có đủ can đảm để bảo vệ nữ quyền cho mình hay không?


Hà Koala - 13/7/2023

(Ảnh: FB The Ravenwolf)