HỘI CHỨNG VỊT CON

Những câu hỏi này khiến mình nhớ đến thời học sinh của mình. Đó là năm học lớp 7, khi lần đầu tiên mình học môn Kĩ thuật. Môn học có những bài tập yêu cầu vẽ lại hình dáng và cấu tạo của các loại đinh, ốc vít, mũi khoan, lưỡi cưa, cờ lê… Mình còn nhớ là lúc ấy mình vẽ rất đẹp, bài làm nào của mình cũng đạt điểm cao và thường được cô giáo cho cả lớp xem. Các bạn trai trong lớp cứ hỏi mình: “Sao bà là con gái mà có thể vẽ mấy cái thứ khô khan này đẹp vậy?”. Thật sự lúc đó mình cũng không hiểu sao mình lại vẽ đẹp được nữa. Cho đến bây giờ, khi ngồi viết lại những điều này mình mới biết được lý do của nó. Vậy là phải mất 27 năm mình mới trả lời được. 

Khi mình còn nhỏ, bố mẹ mình cùng làm việc cho một nhà máy chuyên đóng tàu biển, xà lan, phà. Mỗi lần đến hè, nhà không có ai trông, mình sẽ đến công ty cùng bố mẹ. Mình sẽ được tự do đi lại trong nhà máy với vô vàn những thứ liên quan đến đinh, ốc vít, mũi khoan, những tấm sắt nặng trịch, khổng lồ, lò rèn… Mình sẽ ngửi được mùi dầu mỡ của các loại máy móc, nghe âm thanh đinh tai của tiếng búa đe và cả tiếng sóng nước vỗ vào mạn thuyền nữa. 


Nơi bố làm việc là một xưởng mộc. Bố thường sẽ vẽ thiết kế vỏ tàu, rồi chuyển chúng thành những chi tiết nhỏ trên gỗ, đục, cưa, đẽo gọt qua nhiều bước rồi mới ra được những chi tiết ưng ý lắp vào tàu. Mình nhớ lần nào đến chỗ bố, mình thường đứng gần gần cái máy cưa gỗ để xem bố làm. Tiếng máy cưa vang lên rất lớn, lưỡi cưa rất bén và xoay rất nhanh. Bố hơi cúi người, đẩy thật từ từ, chậm rãi thanh gỗ và từ chỗ lưỡi cưa, những hạt bụi gỗ bay lên tung tóe trong không gian đầy ánh nắng mặt trời chiếu vào. Nó chiếu vào mắt kính của bố, ánh sáng bao quanh lấy bố, những hạt bụi như nhảy múa quanh người bố. Lúc ấy, mình thường lấy hai tay bịt tai lại vì tiếng cưa rất lớn, vừa ngắm nhìn bố làm với một vẻ mặt vô cùng thích thú. Bố sẽ quay sang nhìn mình và nở một nụ cười thật tươi, thật hiền lành. Mình thấy bố lúc đó thật đẹp làm sao trong bộ đồ đầy bụi bặm đó. Mặc dù bây giờ bố mình đã mất nhưng mỗi lần nhớ lại, những hình ảnh đó nó luôn hiện ra vô cùng chân thực với mình. 

Còn nếu qua khu làm việc của mẹ thì thế nào? Mẹ mình quản lý một cái kho rất lớn. Trong kho là mấy trăm cái kệ cao tầng với ti tỉ loại đinh, ốc vít, mũi khoan, bản lề, … Mỗi lần gần đến kho của mẹ là mình ngửi thấy ngay mùi kim loại bay lên trong không khí. Khi phân xưởng nào cần dụng cụ gì, mang phiếu đề xuất đến kho sẽ được mẹ mình cung cấp. Những lúc đó, mình sẽ đi theo mẹ, mẹ dẫn mình đến những cái kệ đó, mẹ đọc tên và chỉ chỗ cho mình đi lấy. Lúc đó, mình có cảm giác như mình là nhân viên của mẹ vậy. Mẹ không sợ mình bị dơ tay mà cho mình được trực tiếp chạm vào những dụng cụ đó, thích lắm! Mình giúp mẹ nhiều đến nỗi mà những lần sau, không cần mẹ chỉ mình cũng biết loại dụng cụ đó nằm ở kệ nào. Có hôm, bố cũng sẽ đến kho của mẹ để đề xuất vài dụng cụ. Hai mẹ con mình sẽ dẫn bố đi lấy. Lấy xong bố mình còn hôn trộm mẹ nữa. Vui và buồn cười lắm! 

Với mình đó là một khoảng trời tuổi thơ với nhiều kỉ niệm thật đẹp. Chính những lần vào nơi làm việc của bố mẹ đã dần dần hình thành trong mình những hình dáng và cấu tạo của những dụng cụ đó. Chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình, sở thích của mình và giúp mình hoàn thành tốt các bài tập giáo viên đưa ra.  Không biết các bạn có nghe nói đến Hội chứng vịt con không? Theo Tâm lý học nói rằng: “Ở con người, Hội chứng vịt con dùng để chỉ việc con người có xu hướng coi những gì xảy ra đầu tiên, trải nghiệm đầu tiên, những cảm xúc đầu tiên là chuẩn mực, khuôn mẫu hoàn hảo và khoa học gọi đó là tâm lý ấn tượng hay dấu ấn khó phai.” Mình cũng là một người có hội chứng này. Mình đã thấy bố mình vẽ rất đẹp, mẹ mình là người phụ nữ rất gọn gàng, bố mẹ mình làm cùng công ty với nhau và sống rất vui vẻ hạnh phúc. Điều đó nó in sâu vào trong tâm trí mình. Và mình đã lập gia đình với một người chồng như thế. Chồng mình vẽ rất đẹp. Nếu bố mình chỉ toàn vẽ thiết kế tàu thủy thì chồng mình vẽ tranh chân dung rất đẹp. Chúng mình gặp nhau lần đầu khi mình chuyển sang dạy ở trường quốc tế, nơi chồng mình đang làm việc. Có thể bạn sẽ nghĩ đó là sự trùng hợp, nhưng thực tế nó chính là việc bạn thấu hiểu bản thân mình, lựa chọn những điều mà bạn cho là phù hợp và mang lại hạnh phúc cho chính mình.

Mình thích những thứ gì có tính cân đối, tương xứng và logic. Mình thích cái đẹp, thích trang trí, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thích làm mới lại những không gian cũ. Khi được làm những việc đó, mình có thể làm hàng giờ mà không biết chán. Chồng mình cũng thế. Mỗi lần đến dịp Giáng sinh, Tết hay sự kiện đặc biệt trong gia đình, vợ chồng mình và con cái cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Mình thường dành thời gian làm những thứ handmade để trưng bày trong nhà hoặc đặt ở lớp học nơi mình làm việc. Những lúc mệt mỏi, chán nản hoặc những khi rảnh rỗi, mình thường mày mò tìm cách làm cái này cái kia để tái tạo năng lượng cho bản thân. Nó giúp mình rèn kĩ năng quan sát, sự khéo léo cho đôi tay, tính cẩn thận, tỉ mỉ và sự bình tĩnh trong tâm trí. Nó còn giúp mình biết lựa chọn các màu sắc nào sẽ phù hợp khi kết hợp với nhau, giúp mình có thể lựa chọn màu sắc trang phục phù hợp. Nó giúp mình tăng kĩ năng tính toán, nếu làm nhỏ quá thì không đẹp, làm to quá thì sẽ không cân đối. Đến bây giờ, do quỹ thời gian của mình eo hẹp hơn vì bận chăm sóc gia đình và con nhỏ nên thời gian dành cho việc duy trì sở thích cũng sẽ giảm xuống. Vì thế, để có thể duy trì sở thích của mình khi không có thời gian bắt tay thực hiện, mình thường dành khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày để xem và tìm hiểu về cái đẹp, các cách trang trí nhà cửa, cách làm những vật dụng và lưu chúng lại trong điện thoại, trong laptop để khi cần mình có thể lấy ra sử dụng. Có khi mình sẽ tự làm, có khi mình rủ con mình làm chung, có khi mình sẽ hướng dẫn lại cho học sinh nếu kiến thức bài học có liên quan. 

Việc được làm điều mình thích, duy trì sở thích cá nhân nó giúp mình thấy vui vẻ hơn, lạc quan và yêu đời hơn. Bản thân mình được là chính mình khi được thỏa sức làm điều mà mình yêu thích. Đó là một cảm giác thật tuyệt.


Hà Koala - 24/6/2022

(Ảnh: Pinterest)