HỘI CHỨNG OCD

Mình là người có hội chứng OCD. Đây là chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể khiến bạn trở thành một người siêu sạch sẽ, siêu kỹ càng, siêu gọn gàng và siêu khó khăn. Trước đây, mình chưa biết tên gọi của nó cho đến khi mình bắt đầu đọc truyện. Trong đó có một số nhân vật vướng phải hội chứng này. Vậy hội chứng này nó đã có những tác dụng gì trong đời sống của mình và mình cần chung sống với nó ra sao?

TRONG DỌN DẸP NHÀ CỬA:

Từ dạo chưa lập gia đình, còn ở với bố mẹ thì hội chứng này nó không có cơ hội bộc ra. Cho đến khi có gia đình riêng, khi tự tay phải chăm lo tổ ấm của mình, hội chứng này bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Ai đến nhà mình chơi sẽ đều có chung một nhận xét: Nhà tuy nhỏ nhưng vô cùng gọn gàng, ngăn nắp. Có bạn còn hỏi chắc mình phải dành nhiều thời gian cho việc dọn dẹp lắm.

Thật ra, mình chỉ mất thời gian dọn dẹp lúc ban đầu hoặc khi nhà có sắm sửa thêm vật dụng gì mới. Nhưng do thói quen, làm đâu gọn đó, mình không mất nhiều thời gian lắm cho việc dọn dẹp này. Hội chứng này giúp mình dần dần hình thành được kĩ năng sắp xếp công việc một cách khoa học. Chẳng hạn, mỗi lần cuối tuần mình sẽ đi chợ cho cả tuần tiếp theo. Não mình bắt đầu chạy với tốc độ ánh sáng. Nó sẽ bắt đầu thiết lập việc nào làm trước, việc nào làm sau để có thể tối ưu hóa thời gian cho việc dọn dẹp một cách hiệu quả nhất. Việc thường xuyên dọn dẹp nó giúp não mình ghi nhớ được các hình dáng, kích thước của các đồ vật và tìm được nét tương đồng của nó. Từ đó, mỗi khi dọn dẹp, mình nhìn qua tổng thể một lượt các đồ vật và có thể ước lượng bằng mắt, ghi nhớ trong đầu nơi mình sẽ đặt các đồ vật này ở đâu là phù hợp. Có lúc khi vừa đặt đồ vật đó vào vị trí xong, mình liền tự hỏi: “Ủa cái này nó sinh ra là để đặt vào chỗ này à? Sao nó vừa khít vậy?” Dần dần nó biến thành kĩ năng lúc nào không biết.

TRONG CÔNG VIỆC:

Mình là một giáo viên nên việc làm gương cho học sinh là một điều người giáo viên cần chú ý, nhất là học sinh tiểu học, lứa tuổi đang dần định hình thói quen, nề nếp và bắt chước cũng rất nhanh. Một giáo viên luôn cáu gắt, la mắng, khó chịu sẽ tạo ra những lứa học sinh như vậy. Một giáo viên vui vẻ, thân thiện cũng sẽ tạo ra những lứa học sinh như vậy. Và một giáo viên gọn gàng, sạch sẽ cũng sẽ tạo ra những lứa học sinh như thế. Mình tin chắc như vậy. Nhưng điều này, không phải có thể nhìn thấy kết quả ngay được mà nó đòi hỏi cả một quá trình dài. Có khi đến gần hết năm học hoặc đến hè, mình mới nhận thấy sự chuyển đổi này ở trẻ vì mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển khác nhau và hoàn cảnh sống khác nhau.


Việc mình rèn cho học sinh đó là: đến giờ học thì trên bàn không còn vật dụng nào hết. Khi nào đến hoạt động gì, các con sẽ lần lượt lấy các vật dụng thích hợp ra. Khi nào làm xong thì cũng cất trả lại đúng vị trí ban đầu đó. Tất cả các hoạt động đều thực hiện trong thời gian qui định. Điều này sẽ làm một số phụ huynh ngạc nhiên khi thấy con mình được cô giáo khen là rất gọn gàng, nhanh nhẹn, trong khi ở nhà, con lại không như thế. Thứ nhất, ở trường, các con có nề nếp, kỉ luật riêng, có các bạn để cùng nhau thi đua, qua đó hình thành dần cho các con thói quen tốt. Khi con làm tốt sẽ được cô ghi nhận, tuyên dương và bạn bè cũng nhìn thấy điều đó. Thứ hai, khi ở nhà, có thể chính cha mẹ là những người không gọn gàng, không nhanh nhẹn nên con cũng sẽ thấy rằng, mình không cần phải nhanh nhẹn. Ở đây, mình nhấn mạnh đó là tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, giờ nào việc nấy, chứ không phải là sự hối thúc và đặt ra những qui định thời gian vượt quá khả năng của trẻ. Có lúc, cha mẹ đặt ra những qui định thời gian quá sức con, sẽ làm con làm trong tâm trạng như bị rượt đuổi, con sẽ cảm thấy hồi hộp và căng thẳng. và khi con đã cố gắng nhưng vẫn chưa xong thì bị cha mẹ trách. Điều này dần làm cho con sẽ ngày càng chậm hơn và tự ti hơn.


Với các đồng nghiệp thì thế nào? Mình vẫn còn nhớ giai đoạn dịch covid, học sinh phải học trực tuyến. Mình chịu trách nhiệm sửa các bài giảng video của nhóm. Hội chứng này đã giúp mình phát huy được nhiều thế mạnh trong việc chỉnh sửa đó. Nhiều lúc, nhìn vào một slide bài giảng, mình phát hiện ra được ngay từ nào đang bị lỗi font chữ hoặc có kích cỡ khác với các từ còn lại, hoặc đối tượng nào bị lệch bố cục ra sao mình có thể dễ dàng phát hiện ngay. Nhưng lúc phát hiện ra thì sao, mình khó chịu lắm. Vì mình có hội chứng đó mà. Thế là mình phải chỉnh sửa lại. Nhưng chỉnh sửa nhiều lần mà đồng nghiệp vẫn vướng phải tình trạng này, thế là mình đã có một buổi chia sẻ online với các bạn ấy về những điều cơ bản khi soạn slide. Từ sau lần đó, các bài soạn của các bạn ấy không còn vướng những điều đó nữa, chất lượng về nội dung và cả trình bày cũng tăng lên đáng kể.

TRONG DẠY CON:

Khi con mình còn nhỏ, tuy mình vẫn luôn là người dọn dẹp chính nhưng vẫn hướng dẫn con dọn dẹp, sắp xếp, bố trí đồ đạc cho gọn gàng. Con mình cũng được rèn luyện thói quen này. Tuy không phải lúc nào con cũng gọn gàng đâu và sẽ có những lúc con bày bừa kinh khủng nhưng mình chấp nhận điều này vì đó là một phần tính cách của con. Con không phải là người có hội chứng như mình và con vẫn là một đứa trẻ cần thời gian tập luyện. Nhưng những lúc nhà cửa bừa bộn là mình cảm thấy cực kì căng thẳng, nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của mình, nhất là những hôm đi làm về mệt mà lại có chuyện không vui, thì mình lại dễ dàng nổi nóng hơn. Chính vì nhận ra điều đó, khi con lớn dần, mình đã trao đổi với con mình. Mình chia sẻ về việc mình có hội chứng này và cần con giúp đỡ.


Mẹ con mình đã thảo luận và đi đến thỏa thuận về gói công việc. Chúng mình liệt kê ra các đầu việc mẹ và con cần phải làm trong ngày. Sau đó qui ước với nhau: mỗi ngày con đi học về, con sẽ cần hoàn thành những việc gì trước khi mẹ về và những việc nào con cần hoàn thành trước khi đi ngủ. Khi thực hiện gói công việc này, mình cảm thấy tình trạng căng thẳng giữa hai mẹ con phải nói là giảm xuống đáng kể. Mình không phải cứ nhắc nhở con làm cái này, làm cái kia. Con sẽ tự sắp xếp thời gian của bản thân, việc nào trước, việc nào sau để hoàn thành gói công việc đó. Thời gian gian đầu, con vẫn chưa quen sắp xếp nên đôi khi chưa hoàn thành hết công việc. Sau 3 tuần, con quen dần và khả năng sắp xếp cũng tăng lên. Tuy vậy, trong lúc con làm, mình cũng vẫn có sự giám sát ngầm con để có sự hỗ trợ và động viên kịp thời. Hình thức giao việc theo gói này cũng giúp con được làm việc theo chính tốc độ của mình, năng lực của mình và cách thức của mình. Từ đó, con sẽ có sự tự nhận thức và điều chỉnh lại cách làm của mình mà con cho là phù hợp. Mình nhớ có dạo, con thường rút quần áo được phơi khô vào nhà bằng cách một tay con kéo quần áo xuống khỏi móc rồi vắt sang cánh tay còn lại. Khi cánh tay hết chỗ vắt hoặc quá nặng, con sẽ mang quần áo vào nhà rồi vòng ra rút tiếp. Những hôm quần áo nhiều, con sẽ than thở sao mà nhiều quá, đi ra đi vô mệt ghê. Những lúc ấy, mình thường động viên con, khen con giỏi và chịu khó. Nhưng sau lần đó, một hôm đến lượt mình rút quần áo. Mình giả vờ gọi con ra hỏi chuyện trường lớp này nọ. Mình vừa rút quần áo, vừa nói chuyện với con. Mình lấy quần áo khỏi móc rồi cho vào giỏ đựng. Sau khi tự làm vài cái đầu, mình rút xuống và đưa cho con, con hiểu ý bỏ quần áo vào giỏ. Mình vẫn vừa làm vừa nói chuyện nói con. Và sau khi rút quần áo xong, con nói ngay: “Mẹ làm vậy nhanh hơn con mà không bị mỏi tay. Con sẽ bắt chước mẹ.” Thế là con vui vẻ mang giỏ đựng quần áo vào nhà. Sau lần ấy, con đã tự nhận ra và thay đổi cách làm để tiết kiệm thời gian, công sức của mình.

Với hội chứng này, ban đầu mình thật sự có chút khó khăn khi chung sống với nó. Bởi vì mình gọn gàng mà xung quanh mình những người không gọn gàng thì thế nào? Bản thân mình thấy bày bừa nhưng trong mắt người khác, họ lại thấy bình thường. Tất cả nó đều nằm ở sự chấp nhận. Nếu ở nơi làm việc, việc tiếp xúc hoặc phải ở trong không gian không ngăn nắp sẽ làm mình khó chịu thì mình hạn chế tối đa việc này để giữ cho bản thân được thoải mái. Còn ở trong gia đình, mình giảm sự mong đợi họ sẽ gọn gàng như mình để tránh làm khó chịu những người xung quanh và cả chính mình. Cũng khó khăn đó nhưng mình vẫn phải tập luyện để có thể thể chung sống với hội chứng này. Tuy thế, cũng có những lúc mình mệt mỏi, mình cũng vẫn sẽ để nó có chút bừa bộn, cũng phải cho phép mình chấp nhận sự bừa bộn đó. Khi nào khỏe thì mình lại dọn sau. Nhà cửa gọn gàng giúp không gian sống được thoáng đãng, ngăn ngừa được các bệnh tiềm ẩn trong đó có bệnh “lười”. Thỉnh thoảng, dời cái này, đặt cái kia cũng là một cách mình tìm niềm vui trong việc dọn dẹp, làm mới không gian sống và làm mới cả chính mình.


Hà Koala - 04/04/2023

(Ảnh: Pinterest)