ĐÔI DÉP

Hôm trước, khi đi xuống nhà ăn của trường, lúc chuẩn bị bước vào nhà ăn thì mình thấy trước cửa ra vào là một đôi dép tổ ong màu trắng. Đôi dép này đã sờn cũ rồi và bám đầy đất nên nhìn không được sạch sẽ lắm. Nó nằm ở ngay lối ra vào nên ai cũng sẽ nhìn thấy nó. Chính vì nó trông khá bẩn nên nó càng trở nên nổi bật hơn trên nền gạch trắng của nhà ăn cách đó chừng một viên gạch. Nhưng vì sao ai lại không mang dép vào mà lại để ở bên ngoài, trong khi nhà ăn không hề có quy định là phải cởi giày dép để bên ngoài.

Mình thì nhìn là biết ngay đó là đôi dép của ai. Đó là đôi dép của cô Chín  làm vườn ở trường mình. Ngày nào, mình cũng thấy cô mang đôi dép đó để làm vườn. Có hôm là buổi sáng mình vào sân sau để gửi xe thì thấy cô đang loay hoay xới đất. Có hôm là buổi trưa trưa, mình thấy cô đang lúi húi nhổ cỏ dại ven mấy lối đi. Có hôm là giờ ra về, mình thấy cô đang tỉa lá thành những đường thẳng tắp rất đẹp. Có hôm là buổi xế chiều với một cơn mưa ập đến bất chợt, cô tất tả ra vườn phủ tấm lưới lên bụi cây mới trồng.


Cô là người rất chăm chỉ. Dáng vẻ của cô rất khắc khổ. Mình không biết cô có gia đình chưa vì cũng ngại hỏi nhưng mình thấy cô ăn và ngủ nghỉ luôn tại trường. Trường mình đẹp là nhờ có một khoảng vườn xanh rộng lớn phía sau và nhiều hàng cây tươi mát hai bên lối đi. Mình rất nể phục cô vì cô trồng cây vô cùng tươi tốt. Cây nào nhìn cũng xanh mướt, tươi mơn mởn. Từ những cây cho bóng mát, đến những cây làm kiểng, từ những luống rau để phục vụ cho giờ học nấu ăn ở trường cho đến những cây đu đủ, cây mướp sai trĩu quả, cây nào nhìn cũng thích mê. Mình cũng đã từng ao ước là một người mát tay trong việc trồng cây như cô. Mình là người có tâm hồn ăn uống nên mình thích nhất là cây lá lốt của cô trồng. Ôi chao! Lá nào lá nấy to gần bằng bàn tay, xanh bóng và căng mướt như da mặt được skincare kiểu glass skin ấy. Mỗi lần nhìn nó là mình lại nghĩ đến món bò lá lốt nướng mỡ hành.

Quay lại chuyện đôi dép của cô Chín. Mình chỉ mới nói chuyện với cô một lần. Đó là lần mình xuống hỏi cô cách giữ cây sen đá được tươi lâu. Còn lại là những lần gặp gỡ bất chợt trong trường, mình chỉ mỉm cười, cúi đầu chào cô rồi đi. Và lần thứ hai là khi mình nhìn thấy đôi dép của cô. Lúc xếp hàng để nhận phần ăn, mình đứng sau lưng cô và thấy cô đi chân không. Đó là đôi bàn chân gân guốc, đen nhẻm và chai sạn. Tự nhiên trong lòng mình dâng lên một sự thương cảm với cô và thấy sống mũi cay cay. Mình nghĩ đến sự vất vả của người phụ nữ khi đã từng tuổi này mà vẫn phải làm việc mưu sinh. Mình nghĩ về mình khi đến tuổi như cô có phải vất vả như vậy không? Mình hỏi cô sao không mang dép vào nhà ăn? Cô cười cười trả lời mình: “Dép cô dơ nên cô ngại. Với lại nhà ăn của học sinh toàn giày đẹp nên cô sợ dép mình làm dơ.” 

Đối với mình đôi dép ấy không có nghĩa chỉ là đôi dép để mang bảo vệ chân mà nó còn là đôi dép của một người lao động chân chính. Nghe câu trả lời của cô mà thật sự mình cảm thấy hổ thẹn. Hổ thẹn vì chưa chắc những đôi giày đẹp đẽ mà mọi người đang mang đây lại có thể có giá trị hơn đôi dép của cô. Hổ thẹn vì chưa thật sự dạy cho học sinh, dạy cho con biết quý trọng sức lao động của người khác và chưa biết giữ gìn bảo quản đồ dùng cá nhân. Liệu chúng có biết để mua được những đôi giày đẹp đẽ kia là mồ hôi công sức của cha mẹ bỏ ra, thế mà có những lúc chúng đạp quai giày để đi, dùng chân này đạp lên chân kia để cởi giày hoặc chạy theo trào lưu mua hết giày này đến giày khác và có khi chúng còn dùng giày làm đồ chơi để ném nhau.


Cảm ơn cô! Cảm ơn đôi dép của cô đã nhắc nhở mình. Mình thật sự trân trọng những người như cô!


Hà Koala - 15/7/2022 

(Ảnh: Pinterest)