RÈN THÓI QUEN 

TỰ GIÁC CHO CON

Con gái mình năm nay 11 tuổi, vừa hoàn thành xong năm cuối cùng của bậc tiểu học. Nhìn lại chặng đường đi học 5 năm tiểu học và 3 năm mẫu giáo của con, mình thấy con đã có những tiến bộ như thế nào, những thay đổi như thế nào và cũng thầm cảm ơn chính mình đã luôn kiên trì cùng con trong thời gian qua.


Ngay từ khi sinh con, mình đã quan niệm rằng mình sẽ cố gắng hết mức có thể để con sau này sẽ trở thành một con người tự lập theo đúng với từng giai đoạn phát triển lứa tuổi của con. Vậy mình đã thực hiện như thế nào? Mình xin phép được chia sẻ cùng các bạn 2 phần nhé!

THỨ NHẤT: VIỆC CHUẨN BỊ BA LÔ ĐI HỌC

Khi con 3 tuổi, bắt đầu đi học mẫu giáo, cô giáo có dặn mỗi ngày chuẩn bị thêm cho con 2 bộ quần áo dự phòng và để sẵn trong ba lô. Thế là tối nào trước khi đi ngủ mình cũng lấy sẵn cho con 2 bộ rồi xếp gọn gàng vào ba lô cho con. Những lúc chuẩn bị, mình luôn nói với con: “Mình soạn trước thế này để sáng mai ngủ dậy là mình chỉ việc xách balô đi thôi, chứ không phải chạy lăng xăng soạn thì sẽ bị trễ giờ học.” Được 2 tuần thì mình thấy con cứ có vẻ không vui mỗi buổi chiều đi học về. Khi ấy, mình hỏi thì mới biết là con không thích những bộ quần áo mình chuẩn bị cho con. Mình chợt nhớ có lần con hỏi: “Mẹ ơi mai con mặc đồ gì?” Khi ấy, mình không biết là con không thích mà con lại không chịu nói. Mình cũng hơi buồn vì con không thích những trang phục mẹ chọn. Sau lần đó, mỗi lần soạn đồ, mình đều hỏi con thích mặc gì và xếp cho con.


Nhưng hỏi hoài cũng mệt và có khi bực mình nữa. Lúc này con được gần 3 tuổi rưỡi. Hôm ấy, mình quyết định không hỏi và soạn đồ cho con nữa để xem con có nhớ soạn đồ đi học không? Lúc lên phòng ngủ rồi, con mới chợt nhớ và nói: “Mẹ ơi hình như chưa soạn đồ.” Mình liền nói: “Vậy con lấy sẵn bộ nào mình thích treo ra ngoài đi rồi sáng mai mẹ xếp bỏ vào ba lô cho con.” Vì đa phần quần áo đi học đều được ủi sẵn treo trên móc nên cần phải xếp mới bỏ vào ba lô được. Và điều làm mình ngạc nhiên đó chính là sáng hôm sau quần áo đã được con xếp vào ba lô. Mình mở ba lô ra, vừa vui bất ngờ, vừa buồn cười. Mình vui vì con đã tự giác chuẩn bị quần áo, buồn cười vì con có cách xếp quần áo rất ngộ nghĩnh theo cách của riêng con. Mình đã phải reo lên: “Trời ơi, Mi soạn đồ hả? Sao Mi giỏi quá vậy?” Con toét miệng cười thích thú khi mình reo lên như thế. Tối đó, mình đã chỉ con cách xếp quần áo nhưng con vẫn thích xếp theo kiểu lạ lùng, không giống với cách xếp quần áo thông thường nên thôi mình cũng để con được thoải mái. Cái quan trọng là con đã biết tự soạn quần áo, như vậy là quá tốt rồi.


Và thói quen đó đã mỗi ngày một hình thành trong con đến hiện nay. Tối nào, trước khi đi ngủ, con cũng đều chuẩn bị đầy đủ đồ dùng hết và để sẵn ngay tủ giày. Điều đó làm mình cảm thấy tự hào về con và thỉnh thoảng vẫn khen con để con tiếp tục duy trì thói quen tốt này. Bản thân mình cũng như thế, từ trước đến nay, tối nào cũng soạn đồ sẵn trước. Có lẽ việc làm của mình đã ít nhiều tác động đến con.

Khi con 6 tuổi, gia đình đi du lịch. Mình nói con phụ soạn va li: “Con sẽ soạn đồ của con, mẹ soạn đồ của mẹ.” Mình đưa con tờ giấy có ghi sẵn những thứ cần soạn. Con chạy tới, chạy lui cả chục lần mà cũng soạn chỉ được có vài món rồi con than mệt, than mỏi chân. Mình hỏi vì sao con mệt thế mặc dù thừa biết lý do. Con nói: “Vì con cứ phải chạy đi chạy lại cất đồ vào va li nên con mệt quá. Tay con nhỏ không cầm nhiều đồ được.” Mình bèn hỏi có cách nào để có thể lấy được nhiều đồ cùng một lúc không? Thế là ban đầu những thứ nhỏ như bàn chải, kem đánh răng, thun, lược thì con kéo áo thun đang mặc lên để đựng. Còn những thứ lớn hơn như quần áo, giày, nón thì con lấy … rổ rau đựng rồi mang đến va li. Mình khen con thông minh quá nên con làm việc năng suất hơn.


Khi con lớn hơn, mình mua cho con vali riêng. Con còn tự viết ra những thứ cần chuẩn bị nhưng chưa biết chọn lọc và giống như là bỏ cả thế giới vào va li. Mình cũng để con soạn rồi đóng va li lại cho con kéo thử. Con nói: “Nặng quá mẹ ơi!” Thế là mình liền bảo con suy nghĩ lại thấy cái nào thật cần thiết hãy mang theo. Vì mình đi du lịch, trải nghiệm nhiều thứ, có thể sẽ không có thời gian để con sử dụng những thứ mình mang theo. Và rồi con từ từ tiến bộ hơn sau mỗi chuyến đi, đã biết soạn va li nhanh hơn, có chọn lọc hơn. Cái mình học được ở con trong việc này đó chính là mỗi lần đi chơi, con đều hỏi đi đâu, đi mấy ngày và còn đòi mình cho xem lịch trình nữa. Con xem để biết sẽ soạn quần áo như thế nào, cần mang theo những vật dụng gì. Có lần con còn nhắc mình là: “Ngày thứ ba trong chuyến đi sẽ tham quan chùa, mẹ nhớ mang đồ lịch sự đó.”


Mình vui trước những bước trưởng thành dần dần của con. Con có thể tự làm và tự giác làm những việc phù hợp với khả năng của con như lau dọn nhà cửa, giặt phơi xếp quần áo, nấu cơm, rửa bát, lau bếp, chà rửa nhà vệ sinh, ủi quần áo, trông em, thay tã cho em, cho em ăn… Ôi tự nhiên kể ra mình thấy con làm được nhiều quá! Lát mình phải ra ôm hôn khen con mới được.

THỨ HAI: VIỆC RÈN THÓI QUEN TỰ HỌC

Khi con được 5 tuổi, sắp chuẩn bị vào lớp Một, mình có một mối băn khoăn đó là làm sao để con tự giác ngồi vào bàn học khi đến giờ học. Mình nghĩ mãi mà chưa tìm ra được cách nào cụ thể và khả thi. Mà muốn con ngồi vào bàn học thì phải sắm bàn học cho con đã. Thế là vợ chồng mình trao đổi với con là sẽ đóng cho con một cái bàn học đặt ở vị trí cửa sổ. Mình cho con xem một vài mẫu bàn học để con lựa chọn và cho con chọn màu sơn mà con thích. 2 tuần sau, con có một cái bàn học như ý, con thích lắm. Làm gì cũng ngồi vào bàn, vẽ cũng ngồi, xếp quần áo cũng ngồi, chơi đồ chơi cũng ngồi, đọc truyện cũng ngồi.


Rồi mình đã tìm ra được cách để con tự giác học và mình cho đó là điều may mắn nhất xuất hiện đúng vào thời điểm đó. Cứ mỗi cuối tuần, cô giáo của con ở trường sẽ phát cho con 2 trang bài tập. Đó là bài tập ôn lại kiến thức trong tuần mà con đã học: tô màu theo số chỉ định, nối con vật với môi trường sống của chúng, tìm điểm khác nhau, tìm các vật ẩn trong tranh… Con vô cùng thích những bài tập này vì chúng đơn giản, hình vẽ đẹp, bắt mắt. Đến mình cũng còn thấy dễ thương nữa. Con thực hiện chúng vào bất cứ lúc nào trong ngày thứ bảy – chủ nhật. Mình không can thiệp vào bài của con mà chỉ đọc giúp con những yêu cầu của bài làm. Sau khi con làm xong, mình đều xin phép con: “Mẹ có thể xem được không?” Mình nghĩ điều này quan trọng vì nó giúp con biết được phép lịch sự khi muốn xem hoặc chạm vào đồ dùng nào đó của người khác và cũng để con thấy bài tập của con, công sức của con bỏ ra là rất quan trọng. Cũng có lần con làm chưa cẩn thận, tô màu thiếu hoặc tìm sót đồ vật, có lúc con tự nhận thấy, có lúc mình phải giúp thì con mới thấy. Đôi khi mình cũng bực lắm, có cả lớn tiếng với con nữa. Hối hận vô cùng! Nhưng rồi mình nghĩ mình đã học lớp Lá đến giờ là mấy chục năm lớp Lá luôn rồi, còn con mới chỉ học có năm đầu tiên lớp Lá thôi, hãy cứ từ từ.

Tuy vậy, cái mình muốn hướng đến là con sẽ ngồi vào bàn học vào đúng một thời gian qui định trong ngày. Thế là cứ tối đến, sau khi ăn cơm xong, mình thường rủ con ngồi vào bàn học. Mình tìm trên internet những dạng bài tập giống như của cô giáo và in ra cho con làm. Con làm nhanh lắm, có khi mới 5 phút đã xong. Mặc dù thật sự nhiều lúc mệt lắm do đi làm về nhưng mỗi ngày mình vẫn cố gắng cùng con từ 15-20 phút vào một giờ cố định. Có khi hai mẹ con nói chuyện, kể với nhau chuyện ở trường của con, có khi mình chơi xếp hình với con, có khi vẽ cùng con. Rồi khi con đã quen với giờ này, mình cho con đến giờ đó thì tự ngồi vào bàn đọc truyện/vẽ. Đặc biệt con rất thích chơi lego và có thể ngồi gần 2 tiếng để chơi lắp ráp một mình mà không cần có bố mẹ chơi cùng. Trong khi con ngồi vào bàn thì mình cũng ngồi gần đó có khi xếp quần áo, có khi đọc sách… Việc này kéo dài được 1 tháng thì con mình không cần mình nhắc nữa mà đến giờ tự động ngồi vào bàn. Mình cho đó là một bước tiến nhảy vọt của con và khen ngợi con ngay lập tức. Và thói quen này con vẫn giữ đến hiện nay - tự giác học mà không cần mẹ nhắc nhở. Tuy vậy, mình nghĩ thỉnh thoảng cũng phải khen con về việc con đang làm tốt để con tiếp tục duy trì thói quen tích cực này. Mình cũng thỉnh thoảng khen con trước những người bạn, trước những người thân để con cảm thấy là việc con đang làm tốt được công nhận, để con tiếp tục duy trì vì dù sao con cũng vẫn chỉ là trẻ con.


Trên đây là những chia sẻ của mình. Mình không biết thời gian sắp tới, khi con bước vào giai đoạn tuổi teen dữ dội, mình sẽ phải đồng hành với con thế nào để con có thể phát triển những kĩ năng thiết thực phục vụ cho bản thân. 


Hà Koala - 26/5/2022

(Ảnh: Pinterest)