RÈN KĨ NĂNG VIẾT 

CHO CON

Khi con đến tuổi đi học, con tự viết được những con chữ đầu tiên, tự viết được tên mình, cảm giác của con lúc ấy như thế nào nhỉ? Chắc chắn là rất sung sướng. Thế còn cha mẹ thì sao? Cũng sung sướng chẳng kém gì con. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở việc viết tên, con sẽ dần viết từ, viết câu và viết văn. Ở một số trẻ, việc viết khá đơn giản. Con có thể nghĩ và viết được ngay, ý tưởng dồi dào vô số kể. Nhưng ngược lại, có một số trẻ việc viết lại là một cực hình. Cha mẹ khi đọc bài viết của con thường có chung suy nghĩ: “Sao bài văn cụt ngủn thế này?”. Vậy làm thế nào để rèn được kĩ năng viết cho những trẻ như thế? Làm cách nào để giúp những trẻ có khả năng viết duy trì và phát triển kĩ năng của mình? Bài viết sau đây mình xin phép được chia sẻ ở góc nhìn của mình: vừa là một giáo viên tiểu học, vừa là một phụ huynh nhé!

TRẺ Ở TUỔI NÀO THÌ BẮT ĐẦU RÈN KĨ NĂNG VIẾT?

Với mình đó chính là tuổi lên ba. Chắc hẳn các bạn đang rất thắc mắc, trẻ lên ba đã biết chữ đâu mà rèn kĩ năng viết? Ông bà ta có nói: “Trẻ lên ba cả nhà tập nói.” Gia đình nào có con nhỏ sẽ biết, ở độ tuổi này con bắt đầu nói được khá nhiều, hỏi cũng nhiều và bắt chước lời nói của người xung quanh cũng rất nhanh. Vì thế đây là giai đoạn vàng trong việc rèn trẻ. 


Ví dụ: Khi con có ý định muốn lấy con gấu bông ở trên cao, con chỉ tay vào nó và nói: “gấu bông”, một số trẻ thì chỉ đưa tay về phía con gấu bông mà không nói gì. Cha mẹ hiểu ý con và lấy ngay xuống cho con. Việc làm này của cha mẹ xem chừng đơn giản nhưng về lâu dài là cha mẹ đang tước dần cơ hội được nói của con. Con sẽ quen với cách đó và hiểu rằng nếu những lần sau, con chỉ cần chỉ tay hoặc nói đơn giản như thế là cha mẹ có thể hiểu và lấy giúp con. Vậy ta sẽ rèn cho con thế nào? Khi con nói “gấu bông”, mình sẽ hỏi: “Con muốn lấy gấu bông à?” và chờ con xác nhận bằng cách trả lời “dạ” chứ không phải là “gật đầu” nhé! Khi đó, mình sẽ vừa nói vừa nhìn con: “Mẹ ơi, lấy cho con gấu bông nha.” và “Con nói theo mẹ nào! Mẹ - ơi, lấy - gấu – bông – cho – con – nha.” (câu này nói chậm rãi để con kịp tiếp nhận). Có thể con sẽ nói ngập ngừng, thiếu một vài chữ, nhưng không sao. Kể cả khi con đang tương tác với người khác, mình cũng rèn con như thế. “Con nói theo mẹ nào! Chị ơi cho em chơi với! Bố ơi chơi với con đi! Bà ơi, cho con ăn bánh ạ!”. Con nói xong thì khen con giỏi hoặc ôm con, hoặc xoa đầu con, hoặc vuốt má con để con hiểu đó là việc làm đúng.


Mỗi ngày, mỗi lúc có cơ hội mình cứ tập dần cho con, từ từ con sẽ có thể nói được một câu trọn vẹn. Con sẽ dần biết được đối tượng mình đang giao tiếp là ai, cần nói như thế nào, xưng hô với từng đối tượng ra sao. Việc làm này đó chính là một hình thức của việc viết – viết vào trí não của trẻ tuy non nớt nhưng lại có khả năng ghi nhớ cực kỳ nhanh. Mục tiêu hướng đến ở đây ngoài việc con được phát triển kĩ năng giao tiếp, con còn nói được một câu trọn vẹn vì điều đó rất quan trọng, mình sẽ nói ở phần tiếp theo.

HÀNH TRÌNH VIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂY!

Khi con vào Tiểu học, các hoạt động hỏi đáp sẽ thường xuyên diễn ra trong tất cả các giờ học. Các con sẽ được dạy trả lời tròn câu. Ví dụ: Khi cô giáo hỏi: “Con gà mái đang làm gì?” – “Dạ đang kiếm mồi.” thì khi đó, cô sẽ hướng dẫn con trả lời tròn câu là: “Dạ con gà mái đang kiếm mồi.” Do đó, nếu từ khi còn nhỏ, con được rèn ở nhà nói một câu trọn vẹn thì đến lớp con sẽ nói lưu loát và thuần thục hơn, cô cũng sẽ mất ít thời gian hướng dẫn nhắc nhở hơn. Ta cứ nhẩm tính, nếu một lớp có 40 bạn, mỗi bạn cô sẽ nhắc như thế tổng cộng là 40 lần, mỗi lần khoảng 20 giây, thì xem như cô mất 800 giây là gần 14 phút cho việc rèn kĩ năng nói tròn câu này thì thời gian đâu cô có thể dạy thêm những kiến thức hay, bổ ích khác cho con. Chưa kể trong giờ học còn có nhiều tình huống phát sinh, cô phải dừng lại giải quyết nữa. Nên nếu cha mẹ muốn con nói lưu loát, thuần thục thì cần rèn cho con trước ở nhà việc có thể nói một câu trọn vẹn. Cha mẹ rèn cho con những kĩ năng cơ bản trước và giáo viên dạy cho con những kiến thức của chương trình học, cả hai cùng phối hợp sẽ giúp con phát triển nhanh hơn. Tất nhiên, ngoại trừ những trường hợp phải trả lời nhanh, gấp thì việc trả lời tròn câu là không cần thiết.


Việc duy trì được thói quen nói một câu trọn vẹn, trả lời tròn câu là một bước quan trọng trong việc rèn kĩ năng viết cho con. Khi trẻ nói, chúng ta hãy chịu khó lắng nghe. Đừng chỉ nghe con nói một vài từ rồi đoán ý của con. Hãy khuyến khích trẻ diễn đạt hoàn chỉnh câu nói đó để con hiểu nói một câu trọn vẹn là thế nào.  Khi nói thành thói quen, con sẽ dần dần biến nó thành kĩ năng và khi viết con cũng sẽ viết dễ dàng hơn.

Vào giai đoạn cuối những năm học lớp 1, các con khi đã có được một vốn từ kha khá rồi sẽ bắt đầu được làm quen với cách đặt câu và viết lại câu đó vào vở. Có thể là đặt câu với từ cho sẵn, dựa vào tranh để đặt câu nói về nội dung tranh hoặc đặt những câu đơn giản để nói về bố em, mẹ em… Nếu con đã hình thành được thói quen nói một câu trọn vẹn rồi thì khi viết, đa số các câu của con sẽ luôn luôn là một câu hoàn chỉnh, có đầy đủ các bộ phận chủ ngữ và vị ngữ.


Có rất nhiều bài tập để trẻ có thể rèn kĩ năng viết cho mình. Ở các lớp nhỏ, mình rất thích dạng bài tập Sắp xếp các từ thành câu hoàn chỉnh. Bài tập này khơi gợi sự tò mò ở trẻ rất nhiều và trẻ còn có thể sắp xếp thành nhiều câu khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được ý nghĩa của câu.


Ví dụ: Sắp xếp các từ sau đây thành câu hoàn chỉnh:

xuân / cây / chồi / mùa / lộc / đâm / vào / nảy / cối /

-  Vào mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc.

-  Cây cối đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân.


Một kỉ niệm buồn cười mà mình nhớ về việc sắp xếp từ này đó là năm mình dạy lớp 3. Bài tập trong sách yêu cầu xếp thành một câu thành ngữ: “nhà / giặc / đàn / đánh / bà / cũng / đến”. Mình đã có học sinh xếp như sau: “Giặc cũng đánh đàn bà đến nhà”, “Đến nhà giặc đàn bà cũng đánh.”. Tất nhiên mình hiểu đây là một câu thành ngữ, mà đã là thành ngữ thì phải có vốn sống, phải từng đọc qua, nghe qua thì mới có thể nhớ được. Còn các con chưa từng nghe đến câu nói này nên lẽ dĩ nhiên sẽ không thể xếp đúng được. Vì thế mình đã rút kinh nghiệm không để học sinh làm dạng bài tập này ở các câu thành ngữ để đảm bảo được nét đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt.

Đến giai đoạn lớp 2 và lớp 3, trẻ bắt đầu kết nối các câu thành một đoạn văn theo chủ đề với những gợi ý cho sẵn dưới dạng các câu hỏi.


Ví dụ: Kể về một người bạn mà em quý mến với những gợi ý như sau:


Đa phần các con sẽ thường làm theo kiểu trả lời các câu hỏi này rồi ghép nó lại thành một đoạn. Kiểu làm này sẽ làm cho tất cả các bài văn của con sẽ giống như các văn bản thông tin, giới thiệu chứ không phải là làm văn nữa. Có bài văn các con sẽ làm thế này: “Người bạn mà em quý mến là A. Bạn đang học lớp Ba trường X. Hình dáng của bạn là mập mạp. Tính tình của bạn là dễ thương. Ở bạn có điểm đáng khen để em học tập là viết chữ đẹp. Hằng ngày, em và bạn cùng chơi trò búp bê. Em và bạn đã có kỉ niệm là qua nhà nhau chơi. Tình cảm của em đối với bạn là em thích bạn.


Chắc chắn những bài văn kiểu trả lời câu hỏi như thế này sẽ khá nhiều. Vậy bây giờ mình sẽ làm sao để hướng dẫn con? Chúng ta sẽ lại quay về quá trình học từ nhỏ của con: học từ - viết câu – ghép đoạn. Có nghĩa là ở mỗi gợi ý, ta sẽ cho trẻ trả lời bên cạnh dưới dạng các từ khóa, lưu ý chỉ là từ khóa mà thôi. Sau đó, cho trẻ nói một câu trọn vẹn có từ khóa đó. Nếu muốn câu đó dài hơn hoặc có thêm ý ta sẽ gợi ý thêm cho trẻ. Ví dụ:


Khi đã có được vốn từ kha khá, đến năm lớp 4 và lớp 5, các con sẽ tự viết thành một bài văn với sự kết hợp của nhiều đoạn văn nhỏ và không có gợi ý cho sẵn. Các con sẽ tự lập một dàn bài chi tiết với các ý mà con sẽ viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Ở giai đoạn này, nếu con đã rèn được kĩ năng phát triển ý từ các từ khóa thì việc viết văn của con sẽ trở nên đơn giản hơn phần nào. Nói đơn giản hơn là vì các dạng bài ở lớp 4 và 5 thiên về miêu tả và buộc các con phải có sự quan sát và vốn sống từ trước.


Chắc chắn chúng ta đã từng đọc qua một số bài văn: “Cô giáo em có dáng người thon thả. Cô có gương mặt trái xoan, đôi môi hình trái tim hồng hồng như cánh sen. Đôi mắt cô như mắt bồ câu, hiền lành và dịu dàng. Dáng đi của cô khoan thoai mỗi khi cô bước vào lớp.” và sẽ tự hỏi: “Sao cô giáo nào cũng giống nhau thế à?”


Vậy ta sẽ rèn cho trẻ cách quan sát như thế nào để khi con làm bài sẽ không bị rập khuôn như thế? Hãy cho trẻ quan sát và nêu chính kiến của mình. Chúng ta không áp đặt góc nhìn của mình, trải nghiệm của mình lên con. Hãy tập cho con quan sát mọi lúc, mọi nơi nhưng đó phải là các quan sát có chủ đích. Ví dụ:

Trên đường chở con đến trường hãy lấy dấu mốc là các ngã tư đường hoặc một vài điểm có ấn tượng với con, có thể là siêu thị, là cửa hàng pizza, là nhà thuốc… Ta có thể hỏi: Cửa hàng pizza này tên gì? Bảng hiệu của nó có màu gì? Màu của nó giống với màu sắc của những vật nào mà con biết? Người ta treo tấm bảng hiệu đó cao bao nhiêu? Chiều cao của nó khoảng bằng chiều cao của cái gì? Nhìn từ ngoài vào, con thấy bàn ghế bên trong được xếp thế nào? Quán có đông khách không? Nếu quán đông khách có nghĩa là pizza ở quán đó như thế nào? Nếu được vào đó ăn thì cảm giác của con thế nào?... Những câu hỏi này ngoài việc hướng con đến cách quan sát có chủ đích mà nó còn giúp con ghi nhớ các địa điểm trên đường đi. Con sẽ hình dung được khi đến đoạn đường này con sẽ nhìn thấy cái này, đến đoạn kia là có cái kia, khi nào đến cái đó là gần tới trường. Điều này rất quan trọng trong việc giúp con định hướng đường đi và không bị đi lạc.


Hoặc khi quan sát một người nào đó, ta cũng sẽ có những câu hỏi tương tự: Con thấy bác ấy có dáng người như thế nào? Bác ấy cao bằng ai trong nhà mình? Gương mặt bác có điều gì làm con thấy ấn tượng? Vì sao con ấn tượng? Bác đang mặc chiếc áo màu gì? Màu sắc của chiếc áo giống màu sắc của vật nào mà con biết? Màu sắc đó có khiến con liên tưởng đến điều gì không? Việc liên tưởng, so sánh màu sắc nó giúp con có khái niệm về các màu và sắc độ của màu. Con sẽ ghi nhớ và dần dần nó sẽ trở thành vốn từ của con, để mỗi khi viết văn, con sẽ lấy ra sử dụng.


Trong một số bài văn sẽ có phần tả âm thanh. Mình nhớ năm con học lớp 1, có lần trên đường chở con đi học, hai mẹ con nhìn thấy một thanh niên chạy xe phân khối lớn đang rồ ga và nẹt bô. Con nghe thấy tiếng nẹt bô thì phá lên cười. Mình hỏi sao con cười thì con nói: “Nó giống như tiếng mình đang thả bom đó mẹ.”  Thế là mình liền hỏi luôn: “Đây gọi là tiếng nẹt bô xe. Con thấy nó giống tiếng mình thả bom, vậy con còn thấy nó giống tiếng gì nữa không?”. Con suy nghĩ một lúc nhưng chưa ra nên mình gợi ý thêm: “Tiếng này rất gần gũi với con, mỗi lần nghe tiếng này, con đều cười nắc nẻ.” Con nghe đến đó liền à lên: “Nó giống tiếng bố hay ụp miệng lên bụng con rồi thổi mạnh kêu phẹt phẹt đó mẹ.” Việc liên tưởng âm thanh này ngoài việc giúp con tìm ra được điểm tương đồng giữa các âm thanh, nó còn giúp con có thêm ý tưởng khi viết văn. Và ở trường hợp này của con mình thì nó còn là việc giúp con nhớ đến những kỉ niệm với bố, giúp con gắn kết và tăng thêm tình cảm gia đình.

Với cách hướng dẫn viết văn như thế này, mình chắc chắn lớp có bao nhiêu học sinh thì sẽ có bấy nhiêu sản phẩm khác nhau mang dấu ấn của riêng đứa trẻ đó. Có khi mình chỉ cần đọc vài dòng là biết ngay đó là của học sinh nào viết mà không cần phải nhìn tên. Qua bài viết, mình còn hiểu thêm về tính cách, sở thích và thế mạnh của học sinh đó nữa. Có những em thích toán học thì bài viết sẽ thường có những con số, ví dụ con hươu cao hơn hai mét, cái bảng con dài một gang tay. Hoặc có những em thích thiên nhiên, cây cối thì em toàn so sánh với màu sắc của các loài hoa…

DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG VIẾT:

             Đến khi trẻ đã có một kĩ năng viết nhất định, việc của chúng ta là cần làm cho trẻ duy trì và tiếp tục phát triển kĩ năng đó. Cách làm của mình rất đơn giản vì mình thấy nó phù hợp với con mình. Có thể do từ nhỏ, mình đã vận dụng để hướng dẫn con nên khi đi đâu, làm gì con cũng hay quan sát. Khi con học lớp hai, có vốn từ kha khá rồi, con đứng trên sân thượng nhìn về phía các tòa nhà cao tầng, con nói: “Nhìn mấy tòa nhà như cái bánh kem sinh nhật nhiều tầng đó mẹ. Còn mấy cột đèn trên nóc là những cây nến sinh nhật đang cháy.” Mình liền khen ngay: “Ồ con liên tưởng hay quá! Tí nữa con nhớ viết vào sổ để sau này mình sẽ có khi cần dùng đến đấy.” Thế là con liền viết vào ngay. Có khi nghĩ ra điều gì, con viết điều đó, có khi con còn viết hẳn thành một bài văn. Nhưng cũng có hôm con mệt, con lười nên chẳng viết gì thì thường con sẽ vẽ hoặc chỉ viết từ khóa. Mình cũng không bắt ép con phải viết được đoạn dài thế này hay dài thế kia mà cái mình hướng đến là con duy trì được việc viết mỗi ngày, viết ít cũng được. Vào thời điểm con lớn hơn, mình khuyến khích con viết bằng tiếng Anh. Thế là con càng thích và viết được nhiều hơn. Con thường tự chọn đề tài để viết, có thể là về các hoạt động trong ngày, về mối quan hệ bạn bè, về sở thích, về thần tượng của con… Con ngày nào cũng khoe với mình các bài con viết. Qua các bài viết của con, mình hiểu được thêm về thế giới quan của con, quan điểm của con, sở thích của con và cả những băn khoăn, lo lắng của con ở tuổi dậy thì để từ đó có những hành động phù hợp trong việc đồng hành với con.

Mình không mong con mình hay học sinh của mình là những đứa trẻ toàn tài. Mình chỉ mong chúng sẽ là những người có thể diễn đạt được những suy nghĩ của bản thân thông qua việc viết. Vì viết là một trong những cách chúng ta giao tiếp với thế giới quanh mình. Nếu cách con quan sát và nêu nhận xét không giống với chúng ta thì hãy hiểu là con đang sống đúng với tuổi của chính con. Còn nếu khi con quan sát và đưa ra những nhận xét khá kì lạ, hãy hỏi con vì sao lại như thế? Đừng vội quy chụp và trách mắng con là nhận xét tào lao hay nhận xét bậy bạ hay con nói gì mà kì cục vậy. Đôi khi chính nhờ những lời nhận xét đó, chúng ta mới biết mình đang dạy con chưa đúng ở chỗ nào đấy.


Năm học mới sắp đến! Mình hi vọng bài viết này sẽ hữu ích với các bậc cha mẹ. Hãy để con xem việc viết văn là những lúc con được hòa mình vào không gian quanh con, là lúc con được mở mang tầm mắt và trí tưởng tượng của mình, cha mẹ nhé!


Hà Koala - 13/8/2022

(Ảnh: Pinterest)