MỤC TIÊU HỌC TẬP THEO TỪNG ĐỘ TUỔI
Trong sự háo hức mong chờ, một thiên thần nhỏ ra đời mang những đặc tính của cả cha lẫn mẹ. Bản thân người mẹ khi mang thai, ngoài bản năng làm mẹ ra, cần xác định mình cần phải đọc những gì, học những gì, san sẻ với chồng trước những gì, phân công nhiệm vụ ra sao, để khi con chào đời, người mẹ sẽ không phải vì những lo âu, mệt mỏi vì không được thấu hiểu mà trở nên trầm cảm sau sinh. Bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính bản thân người mẹ và cả đứa trẻ trong những năm đầu đời của con. Một người mẹ có hiểu biết, có tư duy đúng sẽ mang đến cho con mình những năm tháng tuổi thơ tuyệt vời. Và chính những năm tháng đó sẽ là một khoảng trời kí ức tươi đẹp nhất trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ.
Hãy thoải mái chia sẻ với người góp phần tạo ra thiên thần đó, chia sẻ những gì mình đọc được, học được, cùng thảo luận với chồng để cả hai có cùng tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con. Đừng khẳng định rằng: “Ối, anh ấy làm cha thì phải biết những điều này chứ!” Không đâu! Vì anh ấy cũng chỉ là một đứa trẻ to xác và cần chúng ta hướng dẫn mà thôi. Một đứa trẻ hạnh phúc sẽ cảm nhận được tình yêu mà cha mẹ chúng dành cho nhau và chúng cũng sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc của cha mẹ chúng.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và kết luận, kí ức của trẻ sẽ hình thành lần đầu tiên vào giai đoạn trẻ từ 3 – 4 tuổi. Vì thế, ở giai đoạn vàng này, việc chú trọng bồi dưỡng cảm xúc cho trẻ là điều vô cùng hệ trọng. Đây chính là một trong những giai đoạn hình thành nên tính cách của trẻ sau này và cũng là điều được Thủy đề cập đến trong buổi Deep Talk về Bạo lực học đường. Một đứa trẻ ngay từ thuở ấu thơ đã có những tổn thương tâm lý sẽ có nguy cơ trở thành tội phạm cao hơn các trẻ khác gấp nhiều lần.
Vậy ta sẽ bồi dưỡng cho con như thế nào?
Tăng cường các hoạt động học tập thông qua trò chơi, hình ảnh, âm thanh, sự vận động và hoạt động học tập ở giai đoạn này chủ yếu là rèn kĩ năng. Ví dụ như rèn kĩ năng quản lý thời gian. Chẳng hạn, mẹ sẽ dán lên các số trên mặt đồng hồ những hình ảnh con vật ngộ nghĩnh và nói với con: “Con sẽ chơi từ hình con bướm, đến khi nào kim màu đen chỉ đến hình con ong thì con dọn đồ chơi nhé!”
Tích cực tương tác và dành thời gian chất lượng cho con: có thể cùng con ra ngoài chơi vào những ngày cuối tuần, đọc truyện cho con nghe, hát chung với con những bài con thích…
Rèn cho con sự tự tin và có trách nhiệm với những lựa chọn của mình: thảo luận cùng con khi gặp những vấn đề có liên quan đến con, cho con nêu ý kiến của mình, cho con lựa chọn. Tin tưởng rằng con sẽ làm được trong khả năng của con và ghi nhận mọi nỗ lực của con khi hoàn thành nhiệm vụ nào đó.
Thời gian học: Tùy theo lịch sinh hoạt của gia đình để qui định thời gian con ngồi vào bàn học. Giai đoạn đầu có thể là cứ đến giờ con sẽ ngồi vào bàn học chơi đồ chơi, xem truyện, vẽ, … Có thể xen kẽ vài hoạt động học như cho con tô màu theo số, sắp xếp hình ảnh, tìm điểm khác nhau, … Dần dần khi con đã có thói quen, tăng dần thời gian ngồi học và giãn dần khoảng cách ngồi với con.
Một phần quan trọng đó chính là bản thân mẹ cũng luôn phải tự bồi dưỡng, học hỏi để nắm được tâm sinh lý của con ở từng mốc thời gian cụ thể để có những bước phù hợp trong hành trình nuôi dạy con.
Sau khi vượt qua giai đoạn đầu đời, nếu trẻ được rèn luyện từ khi còn bé, con sẽ dễ dàng hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới, nơi sẽ mang đến cho con nhiều thử thách hơn. Khi trẻ đã được huấn luyện về việc chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình thì khi vào cấp 1, con sẽ có được sự tự tin nhiều hơn các bạn cùng trang lứa. Khoảng thời gian Tiểu học cũng là giai đoạn hình thành khả năng tự học của con và nó sẽ biến thành một kĩ năng nền tảng cho mọi bước tiến của con sau này: Kĩ năng tự học – vua của mọi kĩ năng.
Vậy ta sẽ rèn kĩ năng tự học cho con như thế nào?
Tiếp tục duy trì thói quen đã tạo dựng từ bé. Qui định thời gian học cụ thể dựa theo lịch sinh hoạt gia đình và dựa theo tốc độ học tập của con, tránh việc con thức khuya để hoàn thành bài tập. Việc qui định thời gian này sẽ giúp con biết tự cân đối thời gian sao cho hợp lý để có thể hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
Nếu con hoàn thành bài trước thời gian qui định, mẹ có thể ôn tập lại cho con những phần con chưa nắm vững ở những bài học trước hoặc hai mẹ con có thể chơi, trò chuyện cùng nhau. Không nhất thiết phải đúng giờ mới nghỉ. Và việc kết thúc sớm hơn này cũng cần thảo luận với con để tìm ra nguyên nhân vì sao con có thể hoàn thành sớm như vậy và nếu sau này có những lần kết thúc sớm như thế, con sẽ làm gì?
Kết thúc giai đoạn cấp 1, con bước sang giai đoạn mà mẹ rất dễ bị “sang chấn tâm lý”. Vì đây là lứa tuổi con bắt đầu thể hiện một cách mạnh mẽ sự độc lập, tính cá nhân của mình và bắt đầu có biểu hiện của sự không muốn thảo luận, trò chuyện nếu bố hoặc mẹ có sự áp đặt và phán xét. Cha mẹ cần cho con có khoảng không gian của riêng mình để con dũng cảm đối mặt với một số vấn đề cá nhân con. Khi con đã bình tĩnh hơn, cha mẹ mới bắt đầu cuộc nói chuyện một cách chân thành, cởi mở.
Việc học một kiến thức mới nào đó kể cả tiếng Anh cũng nên được bắt đầu từ việc thiết lập thói quen tự học từ nhỏ. Khi con đã thành thạo tiếng Anh, hãy khuyến khích con sử dụng tiếng Anh để học các môn học khác.
Có rất nhiều con đường để đi đến đích. Nếu con đường trải toàn hoa hồng sẽ khiến con cảm thấy dễ dàng và chủ quan. Nếu con đường cũng vừa trải hoa hồng kèm chút ít gập ghềnh, ổ voi, ổ gà sẽ cho con cảm giác mình đang tham gia một trò chơi với một số chướng ngại vật cần phải vượt qua. Còn nếu con đường phủ đầy gai, tắc đường, sình lầy sẽ làm con thấy nản chí và không dám bước vào. Vì thế, hãy tùy thuộc vào trình độ của con và nâng cấp thử thách cho con dần dần. Ở mỗi chặng đường con qua, dù kết quả thế nào cũng hãy dành cho con một sự ghi nhận, để con thấy rằng những nỗ lực của mình được công nhận và để con vững tin bước tiếp vào những hành trình tiếp theo.
Hà Koala - 09/05/2023
(Ảnh: Pinterest)