KHI MẸ 

SINH THÊM EM

Cách đây 12 năm, sau khi sinh xong bạn đầu tiên, vợ chồng mình đã quyết định chỉ có duy nhất bạn này thôi và sẽ cố gắng nuôi dạy cho thật tốt. Quyết định này đến vì những trải nghiệm không vui khi sinh bạn đầu. Con sinh ra do không được vệ sinh cẩn thận, các bác sĩ thực tập chưa lấy hết các dịch trong người con ra, dẫn đến con bị chẩn đoán tắc ruột sau 3 ngày vừa mới chào đời. Con phải chuyển sang bệnh viện khác để nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt. Mình vẫn còn nhớ đó là căn phòng rộng, có khoảng 50 cái giường nôi với những đứa bé sơ sinh vừa chào đời phải nằm trong đó. Mỗi thiên thần nhỏ đang hàng ngày chống chọi để giành lại sự sống cho chính mình. Và càng về sau, mỗi khi nhìn thấy con lớn lên từng ngày, mình đều cảm phục con, cảm ơn con đã mạnh mẽ rời xa vòng tay cha mẹ từ những ngày lọt lòng để có thể đến với thế giới này. Vì quá đông bệnh nhi mà lại không có chỗ cho thân nhân nên mẹ mình, chồng mình, chị gái mình phải thay phiên nhau nằm ngủ ngoài hành lang bệnh viện để khi nào bác sĩ gọi là chạy vào với con. Còn mình thì ở nhà với mẹ chồng để hồi phục sau sinh và hút sữa mang vào cho con. Chính những điều đó nó đã quá ám ảnh vợ chồng mình nên chúng mình mới quyết định không sinh thêm bé nữa.

Và rồi, khi bạn lớn được 10 tuổi, mình được ban tặng thêm một thiên thần nữa. Khi vừa biết có thai: “Làm sao đây? Mình đang thương bạn đầu quá, thương không biết sao mà kể hết. Liệu mình có thể san sẻ yêu thương với đứa con tiếp theo không? Liệu con có buồn khi biết mẹ thương chị hơn thương mình không? Và liệu có điều gì đáng buồn xảy ra nữa không?” – đó là hàng loạt câu hỏi mình đã tự hỏi bản thân. Nhưng đúng là bản năng người mẹ nó mạnh mẽ thật các bạn ạ! Em bé lớn dần trong bụng và tự nhiên mình thấy càng ngày càng yêu thương bé. Tuy nhiên, làm thế nào để chị của bé cũng sẽ yêu thương bé và chị sẽ làm thế nào trong những tình huống tương lai sau khi có em rồi? Thế là mình bắt đầu từng bước hướng dẫn con.

Đầu tiên mình chia sẻ với con về từng giai đoạn phát triển của em. Mỗi lần đi khám thai về, mình đều cho con xem em lớn thế nào. Có lần chưa kịp cho xem là con đã hỏi ngay: “Hôm nay em sao rồi mẹ ơi?”. Và khi nhìn thấy hình ảnh bàn chân, bàn tay của em cử động qua phim siêu âm, mình thấy trong ánh mắt của con có một sự thay đổi kì lạ. Con đã thốt lên: “Sao nhỏ xíu và dễ thương quá vậy mẹ?”. Mình nghĩ bước đầu mình đã thành công trong việc gieo ở con tình cảm dành cho em.


Đến khi em bé lớn dần, mình bắt đầu chuẩn bị mua sắm cho bé. Mình và con cùng nhau lên mạng tìm kiếm chỗ mua sắm phù hợp. Mình cùng con liệt kê ra danh sách những vật dụng cần mua, hướng dẫn con nên lựa chọn kiểu dáng và loại vải nào thì phù hợp với trẻ sơ sinh. Con cực kì thích hoạt động này. Con nhìn cái nào cũng muốn mua vì con nói cái nào cũng dễ thương quá. Và đặc biệt, con còn nói: “Nếu em mặc cái này, chắc là đẹp lắm nè mẹ!” Mặc dù, con chưa biết em sinh ra sẽ có dáng người, khuôn mặt ra sao nhưng qua đó, mình cũng thấy được tình cảm mà con dành cho em là như thế nào.


Mình bắt đầu đọc sách về nuôi con theo E.A.S.Y và chia sẻ cùng con những điều hay mình đọc được. Mình thấy điều này rất tuyệt. Bởi vì khi em chào đời được khoảng 3-4 tháng, có lần khi nghe tiếng em khóc, con đã nói: “Mẹ ơi, em khóc, em đói rồi đó mẹ.” Mình ngạc nhiên hỏi: “Sao con biết?” - “Vì có lần mẹ đọc cho con nghe về các loại tiếng khóc, con nhớ. Với lại cứ đến giờ này là con thấy em sẽ khóc và được uống sữa.” Đó là một lợi ích tuyệt vời của việc chia sẻ cùng con và nuôi con theo E.A.S.Y nữa.

Tuy nhiên, thời điểm mình đi sinh là giai đoạn gần bước vào năm học mới. Đây lại là năm học cuối cấp Tiểu học của con nên rất quan trọng. Khi ấy, con cũng bắt đầu có những biểu hiện của chu kì kinh nguyệt đầu tiên. Mặc dù, trước đó cả hai mẹ con cũng đã không ít lần chia sẻ với nhau về điều này. Thế nhưng lần này, mình sợ khi mình sinh, con sẽ bắt đầu có kinh nguyệt nên đã hướng dẫn con cụ thể hơn. Mình cùng con đi siêu thị ngay chung cư dưới nhà lựa chọn băng vệ sinh, chỉ cho con tác dụng của mỗi loại băng vệ sinh. Sau đó, về nhà, mình hướng dẫn con cách lót băng vệ sinh ra sao, bao nhiêu lâu thì cần đi thay băng một lần, cách vệ sinh vùng kín như thế nào vào những ngày đèn đỏ… Mình còn cho con lấy một quyển sổ tay viết lại ý chính để nếu những lúc mình đi sinh không có nhà thì con cũng sẽ biết cách tự chăm sóc bản thân. Về sau, cuốn sổ này con còn dùng để viết lại chu kì kinh nguyệt của mình để dễ theo dõi nữa.


Tuy vậy, sau khi sinh, đâu phải chỉ có những việc như thế. Trong gia đình mình, cũng có anh chị có 2-3 người con và mình nhận thấy ở mỗi đứa con khi trở thành người anh, người chị đều có những cảm nhận, suy nghĩ khác nhau. Cộng thêm sự quan sát với những gia đình xung quanh, mình nhận thấy việc chuẩn bị tâm lý cho con trước khi có em là cực kì quan trọng và vô cùng cần thiết. Bởi vì, chắc chắn khi sinh xong, mình sẽ cực kì bận rộn, sức khỏe có thể không đảm bảo, không còn nhiều thời gian cho con lớn, nhiều khi có những tình huống phức tạp có thể sẽ khiến mình mất bình tĩnh và có những câu nói hoặc hành động không mong muốn làm tổn thương con.

Mỗi ngày, mình cùng con nghĩ ra những tình huống có thể gặp phải sau khi có em và cách giải quyết những tình huống đó. Đó có thể là những tình huống ngay trong gia đình hoặc những tình huống từ người ngoài mang đến. Ví dụ: Con sẽ nghe rất nhiều câu “Mẹ có em rồi, con sẽ bị ra rìa.” Mình không thích câu nói này. Người nói thì chỉ nghĩ cho vui nhưng đâu biết sẽ tổn thương như thế nào đến đứa trẻ. Nhưng mình nghĩ quan trọng vẫn là người mẹ và người bố sẽ ứng xử như thế nào. Mình đã hỏi con: “Con hiểu ra rìa là gì?”. Con trả lời ra rìa là không còn thương con nữa. Mình đã giải thích cho con thế này: “Theo mẹ ra rìa ở đây không bao giờ có nghĩa là mẹ ngừng yêu thương con. Mà nó có nghĩa là, khi em còn quá nhỏ, em chưa biết làm gì cả, mẹ phải dành nhiều thời gian để cho em ăn, tắm cho em, chuẩn bị quần áo cho em... Và con bây giờ đã lớn, đó là những việc con có thể tự làm được mà không cần sự hỗ trợ của mẹ nữa. Vậy thì mẹ mới là người cho ra rìa chứ nhỉ? Lúc đó con hãy hỗ trợ mẹ để mình cùng giúp nhau nhé!” Thế là con cười hí hí.


Con còn hỏi mình cách sử dụng tã cho em ra sao? Thế là mình hướng dẫn luôn: nơi nào để tã, quần áo này để làm gì, loại khăn này dùng cho việc nào… Con thích thú hoạt động này lắm vì con thấy cái gì cũng nhỏ xíu xíu mà quan trọng đó là những món do con chọn mua cho em nên con càng thích hơn. Gần đến ngày sinh, mình đọc cho con viết danh sách những đồ dùng cần mang theo khi sinh và cùng mình xếp vào vali. Xếp xong, con còn cẩn thận đánh dấu vào những món đã có trong vali nữa. Thương vô cùng.

Thế nhưng, dự kiến và thực tế là hai điều hoàn toàn khác nhau. Đến khi sinh em ra, mình thật sự không còn nhiều thời gian cho con lớn nữa. Hai mẹ con chỉ có buổi tối lúc em ngủ thì thủ thỉ với nhau. Nhưng có nhiều hôm mình quá mệt và ngủ luôn, chẳng có mấy khi trò chuyện cùng con được. Con đã rất buồn và viết thư cho mình. Thế là mình đã phải sắp xếp lại mọi thứ một chút, phân chia công việc trong nhà với chồng cho ổn thỏa hơn để có thời gian với con.


Con rất thương em, nhiều khi nhìn thấy em khóc mà con không biết làm sao để dỗ em nín, thế là con khóc theo. Gần đây, em thấy bộ bài UNO mà con rất thích để trên bàn. Em tới lấy và xáo tung lên. Mình liền bảo con đi cất bài đi. Con vội vàng chạy ra. Vừa nhìn thấy em đang cầm từng lá bài như muốn xé, con đỏ mặt giận dữ, tay như thành nắm đấm giơ lên, nhưng rồi mình thấy con hít một hơi thật sâu rồi thả nắm đấm ra, nhẹ nhàng gỡ từng lá bài trong tay em xuống. Các bác xung quanh nói sao con lại lấy đồ chơi của em, không cho em chơi. Lúc này mình thấy con sắp sửa khóc tới nơi rồi, liền bảo con cất bộ bài đi. Con quay sang nói với em: “No, no Moon ơi, cái này của hai, Moon không chơi được nha.” Sau đó, mình đã lập tức khen vì cách ứng xử của con. Con đã biết nhận diện được sự tức giận của mình, vượt qua nó và giải quyết ôn hòa với em. Mình cũng nhắc nhở con về việc bảo quản đồ dùng cá nhân. Em còn nhỏ thường bị thu hút cái gì lạ mắt. Những đồ dùng mà con cảm thấy quan trọng với con thì con cần cất gọn gàng, trên cao để em không lấy được.

Nói chung, khi gia đình có thêm thành viên thì tất cả mọi người trong nhà đều phải được chuẩn bị tâm lý. Riêng trẻ nhỏ lúc nào cũng cần sự yêu thương nên cần phải có giai đoạn dài chuẩn bị tâm lý cho con. Bản thân người làm mẹ như chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị cho riêng mình để không phải rơi vào giai đoạn trầm cảm sau sinh. Sự chuẩn bị càng kĩ càng bao nhiêu thì khi gặp tình huống bất ngờ, chúng ta cũng đã có sự dự trù trước thì cũng sẽ giải quyết nhanh hơn. Như con mình, do có tập tành giải quyết tình huống nên khi gặp phải, con và mình cũng biết xử lý dễ dàng hơn.


Chúc cho gia đình chúng ta sẽ tận hưởng thật nhiều niềm vui khi gia đình có thêm thành viên mới nhé!


Hà Koala - 10/1/2023

(Ảnh: Pinterest)