KHI CON
CHUYỂN TRƯỜNG
Mình là một giáo viên dạy tại trường Quốc tế nên mình cũng mong muốn con được học trong môi trường này. Vì thế, năm con 3 tuổi, mình đã cho con theo học tại trường mình đang làm việc.
Trong thời gian từ năm 3 tuổi đến hết bậc Tiểu học, con đã học được rất nhiều điều bổ ích. Nó không chỉ là kiến thức mà còn là những kĩ năng cần thiết cho con trong cuộc sống. Tuy vậy, vì kinh tế không cho phép để con theo học lâu dài nên sang cấp hai, mình cho con chuyển sang công lập. Vậy mình đã chuẩn bị những gì cho quá trình chuyển đổi này của con và cùng con hòa nhập thế nào ở môi trường mới, mình xin phép được chia sẻ với các bạn sau đây.
LÝ DO CHUYỂN TRƯỜNG:
Cách đây 2 năm, tức là năm con học lớp 4, vợ chồng mình đã quyết định cho con ra công lập. Đó là ngôi trường gần nhà, chỉ cách có 10 phút đi bộ. Cuối năm học lớp 4, vợ chồng mình cùng nói chuyện với con về việc chuyển trường. Mình còn nhớ lúc đó mình đang mang thai bé thứ hai, đó là một buổi nói chuyện khá nhiều cảm xúc, vui có, buồn có và cả những giọt nước mắt của hai mẹ con. Chúng mình chia sẻ cho con nghe những khó khăn hiện tại trong gia đình để con hiểu được phần nào những áp lực mà bố mẹ đang gặp phải. Mình cũng cho con nói lên những cảm nhận của con khi đang học tại trường. Khi nói về quyết định chuyển trường, mình cũng dò xét từng phản ứng của con. Mình đưa ra cho con những lý do phải chuyển khi hết Tiểu học chứ không phải thời điểm khác:
Thứ nhất: Khi con chuyển từ đầu năm lớp 6, con sẽ là học sinh hoàn toàn mới giống như tất cả các bạn khác trong lớp của con. Con sẽ có nhiều cơ hội làm quen và kết bạn với nhiều bạn mới từ nhiều môi trường khác nhau.
Thứ hai: Nếu bây giờ con học tiếp năm lớp 6 tại trường cũ, có thể mẹ cũng sẽ cố gắng cho con học được nhưng về lâu dài thì sẽ không đảm bảo được việc học ổn định cho con. Con cũng sẽ chuyển trường vào năm học sau hoặc đang học nửa chừng thì phải chuyển. Khi ấy, con sẽ phải làm quen với một lớp học mới mà trong đó các bạn ấy đã quen biết nhau rồi, cơ hội con làm quen sẽ khó hơn.
Thứ ba: Nếu con chuyển ngay từ đầu, con sẽ có thời gian dần thích nghi với môi trường công lập, một môi trường có thể nói là khác hoàn toàn với trường hiện tại. Còn nếu chuyển nửa chừng, con sẽ phải tập thích nghi với môi trường, cách học tập, các qui định… như vậy nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của con.
Thứ tư: Khi con chuyển sang công lập, đó cũng là một cơ hội con thử thách chính bản thân mình, xem mình có khả năng thích nghi và hòa nhập với nhiều hoàn cảnh khác nhau hay không và mẹ tin con làm được.
Sau khi đưa ra các lý do, con suy nghĩ một lát và đồng ý nhưng con xin mình thỉnh thoảng được về trường thăm các bạn. Vì lúc đó con có 2 người bạn thân và hay qua nhà nhau chơi vào cuối tuần. Vợ chồng mình thở phào nhẹ nhõm khi con đồng ý nhưng cũng chưa hết băn khoăn vì có thể con sẽ đổi ý và phải thuyết phục con lại. Cũng may là con không đổi ý lần nào nữa.
GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ CHUYỂN TRƯỜNG:
Thế rồi nửa đầu năm học lớp 5, vì dịch covid nên con học online ở nhà, không phải đến trường nên con cũng nguôi ngoai chuyện chuyển trường. Hết thời gian giãn cách, con quay trở lại trường cũng chính là lúc mình bắt đầu cho con làm quen với trường cấp 2 mới. Hằng ngày chở con đi học, mình không đi con đường quen thuộc nữa mà mình chuyển sang đi con đường nơi sẽ dẫn đến trường cấp 2 của con. Mặc dù con đường này cũng vẫn đến được trường Tiểu học. Con sẽ nhìn thấy các anh chị đi học như thế nào, quang cảnh vào buổi sáng sớm ở trường mới ra sao, không khí ở trường thế nào? Tương tự như thế vào buổi chiều, mình cũng chọn về con đường sẽ đi ngang qua trường cấp 2 để con thấy khung cảnh vào buổi chiều sẽ ra sao? Mình đi chậm cho con nhìn vào sân trường, nhìn vào các lớp học để con có cái nhìn hình dung về nơi con sẽ học. Mình và con còn thảo luận sau này sẽ đứng ở chỗ nào để khi ra về con nhìn thấy mẹ đến đón. Có những ngày khi đi ngang trường, con nhìn thấy một số sự kiện không giống trường cũ, thế là mình có cơ hội giải thích cho con hiểu trường công lập sẽ có một số hoạt động khác với trường quốc tế như thế nào. Mình làm những việc này với mục đích để con sẽ dần cảm thấy quen thuộc với nơi con sẽ học trong tương lai.
Thế nhưng đến cuối năm học lớp 5, ngày tốt nghiệp càng đến gần là những ngày tâm trạng con nặng nề nhất. Có những đêm con nằm ôm gối khóc hoặc trốn trong phòng ngồi khóc vì không muốn xa các bạn. Những lúc ấy, mình ôm con vào lòng mà chẳng cầm được nước mắt. Giai đoạn đó vừa thử thách mình nhưng cái chính là sự thử thách vô cùng lớn với con. Lần đầu tiên con phải buộc chia tay một thứ mà gắn bó thân thiết với con. Thậm chí con còn nói: “Mẹ ơi, con chuyển trường thôi, mẹ đừng chuyển nha, để con còn được về trường thăm các bạn.” Mình chỉ biết an ủi con, vỗ về con, cho con khóc thoải mái và động viên con rằng chắc chắn con sẽ vượt qua, thỉnh thoảng con vẫn có thể qua nhà các bạn chơi.
GIAI ĐOẠN TẬP THÍCH NGHI & HÒA NHẬP VỚI TRƯỜNG MỚI:
Đầu năm lớp 6, con đến trường mới mua đồng phục và sách vở. Mình cùng con dạo một vòng quanh trường, quanh các lớp học, tham quan các phòng học chức năng, nhìn vào phòng con sẽ học, cho con sờ vào mặt trống trường và gõ nhẹ vào đó, cho con nhận ra những điểm khác nhau giữa trường cũ và trường mới và cho con tự nêu cách con cho là phù hợp với con để thích nghi với sự khác nhau đó. Đến ngày nhận lớp, con được cô chủ nhiệm phân công làm lớp trưởng và làm quen được nhiều bạn mới. Con thích lắm về khoe khắp cả nhà. Mình cũng mừng cho con.
Sau hai tuần học đầu tiên, đến tuần học thứ ba, con bắt đầu có những lo lắng. Sáng nào đi học con cũng bồn chồn, đau bụng, hồi hộp, vội vội vàng vàng, điều này trước đây chưa hề có. Mình có hỏi con thì con nói con cũng không biết tại sao con lại bị như vậy. Mình suy xét nhiều khia cạnh nhưng vẫn chưa tìm ra được. Thế là tối đó, hai mẹ con nói chuyện với nhau. Mình hỏi con có cảm giác này từ khi nào? Con có nhớ vào lúc nào, thời điểm nào trong ngày, cảm giác này sẽ xuất hiện nhiều nhất không? Khi đó, có việc gì xảy ra khiến con xuất hiện cảm giác đó? Và chúng mình đã tìm ra được lý do:
Lý do thứ nhất: Mỗi buổi sáng, khi còn cách cổng trường khoảng 50m thì hai mẹ con thường nghe giọng thầy/cô giám thị qua chiếc loa. Vì trường học sinh đông nên thầy/cô đành phải thường xuyên nhắc nhở lớn tiếng với các con: “Lớp 6.1 xếp hàng nhanh lên. Bạn nào còn đi trên hành lang về chỗ ngồi ngay. Sao đỏ đâu, ghi tên trừ điểm lớp 6.1 cho thầy/cô. Tại sao lớp 6.1 ồn vậy mà lớp trưởng không nhắc nhở? Sao lớp này giờ chưa có ban cán sự quản lớp. Bạn nữ kia sao em xinh xắn mà lại đi chậm vậy?” Đó là một loạt hiệu lệnh, câu hỏi đầy sự trách mắng mà bản thân mình là người lớn nghe cũng thấy rất mệt. Con nói con sợ nghe những câu đó. Mỗi lần nghe, tim con đập mạnh và cảm thấy lo lắng. Mặc dù con không làm gì sai cả nhưng con vẫn luôn có cảm giác thầy/cô đang nói con.
Cách giải quyết: Mình hỏi con: “Theo con vì sao thầy/cô làm như thế? Thầy/cô sẽ có ngừng làm việc đó không? Vậy bây giờ con dự định sẽ làm gì để không cảm thấy như thế nữa?” Con đã trả lời: “Vì trường quá đông mà các bạn không tự giác nên thầy/cô mới phải lớn tiếng nhắc để các bạn sợ. Nhưng các bạn ấy không sợ mà con lại sợ. Con biết là thầy/cô sẽ không bao giờ ngừng làm việc đó hết.” Mình đồng ý với con về góc nhìn này và đã giải thích thêm cho con hiểu. Thật ra thầy cô cũng chẳng muốn làm thế nhưng vì số lượng học sinh quá nhiều, sự việc buộc phải giải quyết nhanh nên đành chấp nhận lựa chọn giải pháp lớn tiếng đó. Bây giờ mình qua đây học, đây cũng sẽ là mái nhà tiếp theo của con, sẽ có những điều mình phải thuận theo mà không thay đổi được. Vì thế mình sẽ cần có thời gian thích ứng với nó. Con chỉ cần làm tốt việc của con là được. Và con mình đã chọn cách là lơ trước những lời lớn tiếng đó. Mình cũng cố gắng giúp con bằng cách khi gần đến trường, mình sẽ trò chuyện với con để con hạn chế nghe những câu nói đó. Dần dần, con cũng đã quen và đi học vui vẻ hơn.
Lý do thứ hai: Tuy con đã nhiều năm liền làm lớp trưởng nhưng khi qua bên này, con đã gặp một số khó khăn. Trong các giờ học, khi thầy cô chưa vào lớp thì con phải giữ lớp trật tự. Nếu lớp ồn con sẽ bị la là không biết cách giữ lớp. Trong khi ở trường cũ, các con được rèn nề nếp tự quản ở mỗi học sinh, lớp trưởng không phải có nhiệm vụ quản lớp kiểu như thế này. Con do quen với cách dạy bảo ôn hòa, nói chuyện nhỏ nhẹ, không lớn tiếng từ trường cho đến cả ở gia đình nên yêu cầu con làm những việc phải la các bạn, con không làm được. Chính vì thế, việc làm lớp trưởng đã trở thành áp lực với con. Có lần con bị cô chủ nhiệm la là: “Lớp trưởng gì mà không quản được lớp, để lớp ồn như vậy?” Mình thắc mắc lắm luôn khi cô nói như thế. Bởi vì mình cũng là giáo viên, việc quản lớp đâu phải do lớp trưởng. Các con đến trường là để học tập chứ đâu phải làm những công việc như thế. Đó phải là việc của giáo viên, các cô phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn học sinh cách tự quản chứ.
Cách giải quyết: Con sau khi kể với mình xong, con nói hay con xin cô không làm lớp trưởng nữa nha mẹ. Mình hỏi con đã chắc chắn chưa? Con nói vì làm việc này, con phải ghi tên các bạn, báo cáo với cô, rồi phải làm nhiều thứ linh tinh khác, nhiều lúc con thấy giống như con phải đi rình rập, mách lẻo, con không thích. Mình cũng không ngờ con suy nghĩ như thế và cho con tự quyết định vấn đề này. Thế là đến giờ sinh hoạt chủ nhiệm con đã xin cô không làm nữa và về nhà kể cho mình lý do. Con nói với cô con mới từ trường cũ qua, chưa quen với việc học tập bên này, với lớp mình đông quá, không giống bên trường cũ của con nên con chưa biết cách làm lớp trưởng nên xin cô con không làm nữa. Cô con đồng ý ngay. Mình hỏi con cảm thấy thế nào? Con nói cũng hơi buồn nhưng con thấy việc học quan trọng hơn nên thấy không làm lớp trưởng cũng không sao. Và sau sự việc đó, con đã vui vẻ hơn hẳn.
Lý do thứ ba: Con sợ học giờ âm nhạc. Việc này nó xuất phát từ năm con học lớp Lá bị cô giáo khẻ vào tay trong giờ học đàn nên con sợ học nhạc đến nay. Hôm đó, đi học về con rất buồn và kể một vài bạn bị cô Âm nhạc mắng, trong đó có con. Cô nói có bảy cái nốt nhạc mà cũng không thuộc thì học cái gì? Cô còn nói bạn kia là ăn cho nhiều vô rồi không làm được cái gì hết. Ôi thôi, nghe xong mình đến khủng hoảng với cô luôn. Chẳng nghĩ cô giáo mà nói như thế với học sinh.
Cách giải quyết: Mình hỏi con không thuộc nốt nhạc nào? Con nói chỉ thuộc tên nốt chứ không nhớ được vị trí của các nốt đó trên khuông nhạc. Cũng may mình có chút kiến thức về nhạc lý thế là hướng dẫn lại cho con. Và điều khiến mình học tập ở con đó chính là sau sự việc ấy, cứ đến ngày học môn âm nhạc thì tối hôm trước con sẽ mở sách ra xem bài trước, viết tên các nốt vào sách, nốt nào không biết con lại lên mạng tìm đọc. Từ đó, đến ngày học môn này, con không còn sợ nữa nhưng vẫn không yêu thích môn học này.
GIAI ĐOẠN VỠ MỘNG:
Vì theo học trường Quốc tế từ năm 3 tuổi nên phải nói mình tự tin vô cùng về trình độ tiếng Anh của con. Mình thường xuyên nói chuyện với con bằng tiếng Anh và thấy con phản xạ rất tốt. Trong các giờ học trên trường, con giao tiếp bằng tiếng Anh rất tự tin với thầy cô và các bạn. Thậm chí, con còn được phân công giảng bài cho một bạn chậm tiếng Việt nhưng chỉ hiểu tiếng Anh. Con dùng tiếng Anh để giải thích cho bạn hiểu. Vì thế, khi vào lớp 6, mình không hề lo lắng tí ti nào về việc học tiếng Anh của con. Thế nhưng, bài kiểm tra 15’ đầu tiên, con được 5 điểm. Mình bất ngờ và giật mình. Mình thắc mắc và nói con cho mình xem bài kiểm tra. Thì ra những bài này kiểm tra về ngữ pháp, chia thì động từ. Con nói không hiểu thì Hiện tại đơn là gì, Quá khứ đơn là gì, Hiện tại tiếp diễn là gì? Mặc dù, mình luôn hỏi con về việc học hằng ngày trên lớp, cũng xem bài vở của con nhưng không nghĩ con sẽ rơi vào tình trạng thế này. Con kể trong giờ học, mỗi lần cần trao đổi với giáo viên nước ngoài, các bạn trong lớp sẽ nhờ con. Hoặc mỗi khi đọc một đoạn bằng tiếng Anh, cả lớp đều nói con đọc mẫu. Vì vậy, điểm số này chính con cũng bất ngờ.
Thế là mình bắt đầu giảng lại cho con về các thì này. May mắn cho mình ở giai đoạn đó chính là việc theo học lớp tiếng Anh của Thủy Tulip. Giai đoạn ấy mình vừa tìm hiểu về chuyên đề ngữ pháp và các nguyên lý khi học ngữ pháp tiếng Anh. Với những kiến thức vừa được học đó, mình lấy ra vận dụng ngay. Với thì quá khứ đơn, mình không đưa công thức ngay. Mình biết con có kĩ năng nói tốt nên mình nói con kể lại bằng tiếng Anh khoảng 5 câu thôi về một ngày học của con vào buổi sáng. Con kể xong, mình nói con viết lại những gì vừa nói xuống. Sau khi con viết xong, mình yêu cầu con gạch dưới những động từ chỉ việc con đã làm. Sau đó giải thích cho con hiểu rằng đây là những việc con đã làm vào buổi sáng, tức là những việc đã xảy ra rồi. Con dùng những động từ này chính xác là ở thì quá khứ luôn rồi nè. Khi con viết câu như thế này, động từ như thế này thì đây gọi là thì quá khứ đơn.
Tương tự ở những thì khác mình cũng đưa tình huống để con tự viết xuống những gì con nói. Khi còn học tiểu học, chương trình học của con không dạy chuyên biệt về ngữ pháp mà thông qua những bài học, quá trình giao tiếp, con tự hình thành được trong mình kiến thức ngữ pháp. Con hiểu được và hình thành phản xạ tự chia thì động từ phù hợp một cách tự nhiên chứ không biết được tên gọi cụ thể của các thì này là gì. Vì thế khi lên lớp 6, khi được học riêng về chia thì động từ, con như học mới lại vậy. Các bài tập kiểm tra thường dưới dạng các câu đơn chứ không phải là một tình huống nên con gặp khó khăn khi thực hành và gọi tên chính xác các thì.
Cho đến nay, con đã quen với cách học tập ở trường mới, tìm được người bạn hợp với con và tìm được nhiều niềm vui trong học tập. Thỉnh thoảng con xin được đón trễ để ở lại trường chơi với bạn. Mình cũng mừng vì con đã thích nghi và hòa nhập được với môi trường này. Mình biết đó là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ ở con. Việc thay đổi môi trường học tập là một cơ hội để con tự vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Con sẽ có những chông chênh, những giai đoạn chuyển mình, nhất là hiện nay con đang ở giai đoạn dậy thì với nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý. Mình khâm phục con đã tự tìm ra cách thích nghi với hoàn cảnh mới.
Hành trình tiếp theo của con chắc chắn sẽ có những gian nan nhưng được đồng hành cùng con là một trải nghiệm vô cùng quý giá với người làm mẹ như mình. Yêu con thật nhiều!
Hà Koala - 20/12/2022
(Ảnh: Pinterest)