BẢN NĂNG 

LÀM CHA MẸ

Người lớn chúng ta có rất nhiều bản năng, trong đó có một bản năng mà các nhà khoa học gọi là Bản năng làm cha mẹ. Trẻ con cũng thế, chúng cũng có những bản năng riêng. Nếu cha mẹ nào có con nhỏ và quan sát con thường xuyên sẽ thấy chúng có những bản năng vô cùng kì diệu mà chúng ta chẳng hề dạy chúng một lần nào. Và khi những hành động, việc làm theo bản năng ấy thực hiện trong một thời gian liên tục thì chúng sẽ biến thành thói quen. Sở dĩ mình nói điều này vì bé nhỏ nhà mình hiện 20 tháng tuổi đã có những biểu hiện làm mình vô cùng ngạc nhiên và không kém phần thích thú.

Bé sinh ra trong đợt cao điểm của mùa dịch nên có phần may mắn là cả bố và mẹ đều ở nhà. Chính điều đó giúp vợ chồng mình có thời gian quan sát con nhiều hơn. Nếu ở bé đầu cách nhau 10 năm tuổi, mình chưa có kiến thức gì nhiều về quá trình phát triển của trẻ sơ sinh, thì đến bé này, mình đã có thời gian trang bị trong giai đoạn thai kỳ. Tuy vậy từ lý thuyết cho đến thực tế là hai việc rất xa. Mỗi khi có sự việc nào xảy ra với con, ngoài việc dùng bản năng người mẹ, mình còn phải kết hợp thêm những kiến thức từ sách để có cách giải quyết phù hợp. Chính những kiến thức này giúp mình BÌNH TĨNH hơn rất rất nhiều trước những biến đổi của con theo từng tháng tuổi.

Đầu tiên phải kể đến đó là “wonder week huyền thoại” – tuần khủng hoảng mà hầu như cha mẹ nào cũng rất sợ. Nếu như ở những tháng đầu sau khi ra đời, gần đến tuần khủng hoảng là chuỗi ngày mà cả con và cả cha mẹ đều phải chịu khó vượt qua. Đôi mắt ngây thơ, trong veo, sáng lung linh và lấp lánh ánh cười mỗi khi nhìn thấy cha mẹ của mình. Nhưng cha mẹ có biết rằng, con đang vô cùng khó chịu vì khi con vừa mở mắt chào đời, cha mẹ thấy ánh mắt con sáng long lanh như thế đấy nhưng thật ra, con chẳng nhìn rõ mọi thứ đâu. Trước mắt con, tất cả đều mờ mờ ảo ảo, con nhận diện ra cha mẹ hầu như qua âm thanh.

Đến cuối tuần khủng hoảng, mắt con dần dần nhìn rõ mọi thứ hơn, các đường nét bắt đầu hiện ra rõ rệt hơn. Con vừa thích thú khi nhìn rõ cha mẹ, khi mà trước đấy con chỉ có thể cảm nhận bằng âm thanh giọng nói. Bên cạnh đó, con cũng rất khó khăn khi cùng một lúc phải quen với việc nghe và nhìn. Điều đó, làm con thấy khó chịu, mệt mỏi và buộc con phải thích nghi dần. Thế nhưng có một số cha mẹ và ông bà chưa hiểu nguyên lý này và đã “đổ thừa” cho con: “Trời ơi, nó quấy lắm, nó khóc hoài à, nó cứ đòi bế mãi…” – huhuhu, tội nghiệp con quá!

Thế nhưng, cha mẹ yên tâm vì cứ sau mỗi tuần khủng hoảng qua đi là những ngày nắng đẹp vô cùng rực rỡ. Mình đã được tận hưởng rất nhiều mùa nắng đẹp như thế sau khi trải qua những ngày mưa bão trước đó. Và mình nhận thấy rằng, cứ sau những lần ấy, lịch sinh hoạt của con sẽ có sự thay đổi. Con sẽ thức được lâu hơn, chơi được lâu hơn và đặc biệt con tự biết cách dỗ mình vào giấc ngủ nếu như có thức dậy nửa chừng. Mỗi trẻ sơ sinh sẽ có khoảng 45 phút cho mỗi “cửa sổ thức” của mình. Cha mẹ quan sát sẽ thấy được điều đó. Cứ sau gần 45 phút, cha mẹ sẽ thấy con bắt đầu có dấu hiệu buồn ngủ. Mình cũng quan sát con mình và thường chia 45 phút này ra thành những khoảng nhỏ cho từng hoạt động khác nhau. Con sẽ có 15 - 20 phút đầu cho việc ăn uống, tiếp đến là 10 – 15 phút chơi tự tập, 10 phút chơi cùng người thân. 

Nếu như khi còn nhỏ, con chỉ cần nằm đó, mình đặt thang chữ A có treo đồ chơi phát ra nhạc ngay tầm chân của con, con sẽ cố tìm mọi cách để đạp được những món đồ chơi đó, để chúng có thể phát ra âm thanh. Con vô cùng thích hoạt động này. Mỗi lần đạp trúng món đồ chơi nào, mình thấy con lại nhoẻn miệng cười. Mình liền khen và hôn con. Con cảm nhận được hết những lời khen và sự tiếp chạm này với mẹ. Có khi mình thấy con có thể nằm chơi như thế gần 10 phút mà không cần có người thân chơi cùng, phải nói là rất giỏi. Những lúc đó, mình nằm nghỉ ngơi, cho dù 10 phút thôi nhưng với một mẹ bỉm sữa, như vậy đã là quá đủ.

Khi con lớn, biết đi rồi, con sẽ có thể chơi trong thời gian dài hơn. Mình đã từng quan sát thấy con có thể chơi một mình trong 20 phút. Nhà mình có một cái tủ đựng những thứ lặt vặt. Một lần nọ, con đã vô tình mở được cánh tủ đó và rồi mình nhìn thấy trong ánh mắt con đó là một sự ngạc nhiên. Đó là ánh mắt của sự thích thú, sự tò mò, sự phấn khích và có cả sự mong chờ. Sau khi mình thấy thế, mình cất những thứ có thể nguy hiểm cho con đi và hỏi con: “Con muốn chơi mấy cái này hả?” – để đáp lại ánh mắt mong chờ của con vì con không biết có được chơi hay không? Bé thích lắm và bắt đầu tự tay khám phá từng thứ một. Con cầm lên từng cái, lật tới lật lui, sờ sờ, cậy cậy, ngửi ngửi, liếm liếm, nói chung là con sử dụng tất cả các giác quan của mình. Mình chỉ ngồi đó, quan sát con và nghĩ thế giới trong mắt của con lúc này chắc là đẹp lắm. Thỉnh thoảng, con cố gắng mở nắp một cái hộp nhưng không được, con liền đưa cái hộp về phía mình. Đấy, cái đó gọi là bản năng, con bé thế thôi mà đã biết cách đi tìm kiếm sự trợ giúp khi cần rồi.

Đến khi con tập ăn, cái bàn tay bé xíu xiu phải cố gắng bốc từng miếng thức ăn nhỏ để có thể đưa chính xác vào miệng. Nhưng đâu phải lần nào cũng thành công, có khi bốc lên rơi giữa chừng phải bốc lại. Có khi bốc lên gần tới miệng rồi, miệng đã há rồi nhưng vẫn rơi và phải bốc lại. Thế nhưng, con vẫn kiên trì thực hiện đến khi thức ăn vào được miệng mình. Rồi đến khi cầm muỗng ăn canh. Nước canh cứ đổ hết ra ngoài qua vài lần múc. Nhưng rồi đến khi con biết cách kìm lại cái muỗng, biết là phải cúi đầu xuống một tí thì mới húp canh được, mình phải nói là rất ngưỡng mộ con. Mặc dù, sau những lần ăn đó là một bãi chiến trường cần phải thu dọn nhưng so với những kĩ năng mà con học được, mình thấy nó thật sự đáng giá.

Để có thể cùng con lớn theo từng ngày, bản thân mình thấy cần phải đặc biệt TIN TƯỞNG con, tin rằng con có thể làm được chỉ cần bố mẹ BÌNH TĨNH, dành THỜI GIAN cho con. Qua những việc đó, bản thân mỗi người làm cha mẹ cũng sẽ trưởng thành hơn mỗi ngày, sẽ hiểu được rõ hơn những nhu cầu và mong muốn của con nhất là khi con chưa biết thể hiện điều mình muốn bằng lời nói. 

Có một lần, mình và con sau khi đỗ xe ở dưới hầm rồi đi bộ lên nhà. Thông thường, hai mẹ con sẽ dắt tay nhau đi đến bức tường cuối hành lang rồi mới rẽ. Thế nhưng hôm đó có một chiếc xe hơi đã đậu ở đấy và chắn lối đi nên mình dắt con rẽ sang phía khác. Con đi được vài bước rồi kéo ghì tay mình lại, mắt thì hướng về bức tường phía cuối hành lang và cứ kéo mình đi. Mình biết ngay là con đang thắc mắc sao lại đi lối này nhưng cũng để xem con muốn gì và đi theo con dắt. Con dẫn mình đi đúng lối cũ và phải khi đến đó, thấy chiếc xe hơi đậu chắn đường không đi được nữa, con mới chịu đi theo hướng mới. Lúc ấy, mình khen con ngay: “Ôi, Moon nhớ đường giỏi quá!” Con thích lắm và đáp lại lời mình bằng cách vỗ tay. Qua sự việc này, mình thấy con là đứa trẻ có khả năng quan sát, ghi nhớ thông tin và hướng đi. 


Tất nhiên, sẽ có những lúc con quấy khóc khiến mình cũng mệt mỏi và căng thẳng. Một điều kì diệu mà mình phát hiện được khi dỗ con nín đó là nói thầm vào tai con. Mình đã dùng cách này nhiều lần và thấy rất hiệu nghiệm với bé nhà mình. Có lần, hai mẹ con mình đi thang máy. Lúc đó, thang máy chật kín người và con bị giật mình vì tiếng hắt hơi quá lớn của người đi cùng. Thế là con khóc vang lên. Không gian thang máy đã vốn chật chội, nay thêm tiếng khóc của con sẽ làm cho chính con cũng cảm thấy căng thẳng. Mình bế con, ôm con vào lòng, thủ thỉ vào tai con rất nhỏ: “Mẹ yêu Moon, Moon ơi, mẹ yêu Moon.” và mình thì thầm giai điệu bài hát Baby shark con thích. Mình hát rất chậm và chỉ hát bằng giai điệu với những tiếng uhm…uhm. Vừa hát vừa vỗ lưng con nhẹ nhẹ. Thế là con nín hẳn và dịu hẳn xuống. Mình thấy cách hát bằng giai điệu chầm chậm, ngân nga có tác dụng rất lớn khi dỗ con trong tất cả các trường hợp mà mình đã trải qua.

Nuôi con quả thật vất vả. Sẽ có những ngày ngập tràn tiếng cười đùa của con nhưng cũng sẽ có những ngày chỉ nghe tiếng mè nheo, ỉ ôi và khóc lóc. Con cũng đang thật sự rất khó chịu vì những thay đổi của chính bản thân mình để có thể lớn lên và con cũng chỉ có cách này để thể hiện mong muốn của mình chứ chưa thể nói cho bố mẹ hiểu được. Vì thế, bố mẹ ơi, hãy quan sát con, hãy thật kiên nhẫn khi bên con, hãy nhìn vào những mốc trưởng thành mà con đã đạt được để tiếp tục tạo cho con cơ hội được lớn lên bằng chính khả năng của mình. Và hãy luôn tin rằng: Con – thiên thần đáng yêu chắc chắn sẽ làm được. Bởi vì, khi con được trao niềm tin ngay từ thuở nhỏ thì những năm tháng về sau, con sẽ trở thành một đứa trẻ luôn tự tin vào chính bản thân mình, con sẽ trở thành một phiên bản đặc sắc và duy nhất.

Chúc cho hành trình biến bản năng làm cha mẹ của chúng ta trở thành một kĩ năng ngày càng phát triển nhé!


Hà Koala - 20/3/2023

(Ảnh: Pinterest)