BÍ KÍP DẠY CON HỌC

TẠI NHÀ

Mình may mắn chọn lựa và theo đuổi đúng nghề nghiệp mình yêu thích. Mình cũng may mắn khi đã trải qua nhiều môi trường giáo dục khác nhau trong nghề nghiệp, từ trường công lập cho đến trường song ngữ theo khung tiếng Anh Cambridge và trường hiện tại theo khung tiếng Anh của Massachuset – Mỹ. Cho dù ở môi trường nào thì một trong những yếu tố mang đến thành công cho tiết dạy của một người giáo viên đều đến từ sự chuẩn bị chu đáo của họ. Vậy người giáo viên cần chuẩn bị những gì?



Mấy tuần nay, mình có xem một số video của các mẹ siêu nhân trong nhóm, mình học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân trong việc dạy học sinh và cả trong việc dạy con. Bài viết này mình chia sẻ thêm những kinh nghiệm mà mình có được trong công việc và cả trong dạy con. Hi vọng sẽ giúp cho giờ học của cô giáo “mẹ” ngày càng hiệu quả hơn, để các con thấy rằng ngôi nhà thật sự là nhà chứ không phải là trường học thứ hai.

Theo quan điểm cá nhân thì mình thấy dạy con nó không giống như dạy học sinh. Mình nhận thấy ở một số mẹ dường như đang quá chú trọng đến kiến thức con đạt được sau giờ học với mẹ nên bỏ lỡ qua những khoảnh khắc đắt giá với con. Ví dụ như những lúc con thể hiện được niềm vui thích của mình với giờ học của mẹ, có thể là con hơi hiếu động một chút, ngồi nhún nhảy một chút. Thay vì yêu cầu con ngồi yên để mẹ có thể tiếp tục giờ dạy, mẹ có thể hỏi: “Ồ con thích hoạt động này à?” hoặc “Hoạt động này làm con cảm thấy vui à?” … Bởi vì tất cả những điều này ở trên lớp con sẽ khó thể hiện ra được vì có thể nếu làm thế cô sẽ mắng, sẽ làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh, sẽ bị trừ điểm thi đua… Nhưng đây là ở nhà, con có thể tự do thể hiện điều đó và qua đó mẹ sẽ nắm được sở thích của con là gì và phát hiện được luôn cách con học tập hiệu quả.

Khi con được sinh ra, mỗi một cái tên đều mang một ý nghĩa và kì vọng của cha mẹ đặt vào cái tên đó. Vậy con đã có tên tiếng Việt rồi, mẹ hãy cho con quyền tự đặt tên tiếng Anh cho mình và gọi con bằng tên đó vào mỗi giờ học tiếng Anh. Việc con lựa chọn cái tên nào cũng giúp mẹ hiểu được suy nghĩ, sở thích và cả ước mơ của con nữa đấy. Con mình ngày trước, mình cũng cho con tự chọn tên tiếng Anh. Con viết ra 3-4 cái tên ưng ý và rồi quyết định chọn Athena. Con nói đây là cái tên của nữ thần Hy Lạp, người gắn liền với trí tuệ và nghề thủ công mỹ nghệ. Giai đoạn con mình chọn cái tên này là lúc con phát hiện ra con rất thích làm những sản phẩm thủ công như 5 minutes craft. Và con mong muốn con sẽ có sự thông minh lẫn trí tuệ.

Khi người lớn mình làm việc gì thì cũng thường chuẩn bị tâm thế. Trẻ con cũng vậy. Vì thế mình thấy có một số mẹ đã làm rất tốt khâu này: Đó chính là khâu WARM UP – KHỞI ĐỘNG. Phần khởi động này giúp những đứa trẻ chưa có hứng thú với giờ học sẽ dần có được sự hứng thú đó hoặc những đứa trẻ ham học sẽ cảm thấy háo hức muốn tìm hiểu bài ngay. Đặc biệt nếu kiến thức mà mẹ lồng ghép trong phần khởi động có sự liên kết giữa bài cũ và bài mới thì càng tuyệt vời hơn. Mẹ có thể tham khảo thêm các trang web về: cross word - tự tạo ô chữ về các từ vựng con đã học, hidden picture - tìm các vật ẩn trong tranh, ……

 

Ví dụ: Ở bài trước con học về household appliances - các vật dụng trong gia đình và bài mới sẽ học về bedroom, living room, dining room, kitchen. Ở phần khởi động mẹ có thể cho con chơi trò nối hình ảnh đồ vật với cách viết từ vựng đó. Nếu mẹ có thể chuẩn bị sẵn giấy A4 cắt rời ra để con dùng bằng tay và thao tác ghép nối thì kĩ năng khéo léo của đôi tay cũng được tăng lên. Sau khi con ghép nối được rồi, mình bắt đầu vào bài mới bằng cách cho con phân loại các đồ dùng đó theo nhóm. Mẹ có thể hỏi: “Where do you often see them in our house? Please arrange them in each group”. Nếu con chưa hiểu thì mẹ có thể làm mẫu, khoan hẵng dịch ra tiếng Việt cho con nhé! Sau khi con phân loại được rồi thì mẹ sẽ kết luận: “These things are in the bedroom/living room/dining room/kitchen”. Bằng cách này, con không chỉ được học từ vựng mới mà con còn biết được đồ vật nào thì nên đặt ở chỗ nào, giúp con nắm được cách sắp xếp, bố trí đồ đạc trong gia đình và thói quen gọn gàng, ngăn nắp. Tiếp theo mẹ sẽ cho con học thuộc từ mới theo cách mà mẹ vẫn thường sử dụng hiệu quả với con. Mẹ có thể mở rộng thêm: “What is the bedroom used for?”. Con sẽ trả lời là để ngủ, để đọc sách. Ở chỗ này, nếu mẹ thấy thỉnh thoảng con ăn bánh kẹo làm rơi vãi trong phòng ngủ thì có thể qua đó nhắc nhở con luôn. Mẹ chú ý, khi đặt câu hỏi và ra hiệu lệnh, mẹ cần thêm các từ “Please, Could you, Would you” phía trước động lệnh nhé! Vì đó là cách mẹ đang ngầm dạy cho con cách giao tiếp một cách lịch sự với người khác ấy.

Trong quá trình học, việc xem video và nghe bài hát cũng giúp bài học thêm sinh động. Tuy vậy, mẹ cần chú ý điểm quan trọng này: Luôn nói rõ mục đích của việc xem và nghe là gì? Ví dụ: “Trong lúc con xem video này, con nhớ chú ý xem họ nói về con vật nào nhé?” hoặc “Hãy xem các con vật đang làm gì nhé?” hoặc “Con nhìn thấy có những con vật nào nhé.” Nếu xác định rõ từ trước, con sẽ biết cần phải chú ý đến điều gì khi xem thì sau đó con mới có thể trả lời được đúng câu hỏi mẹ đưa ra. Nếu không xác định từ trước thì chẳng hạn khi mẹ hỏi con thấy con vật gì? Nếu đó là trẻ thích thiên nhiên con sẽ chỉ ghi nhớ hình ảnh của cây cối, bầu trời… Nếu đó là trẻ thích âm thanh, trong đầu con sẽ chỉ vang lên giai điệu của đoạn phim. Vì thế, việc xác định mục tiêu khi xem video rất quan trọng nhé. 


Nếu mẹ muốn con học qua bài hát, mẹ có thể cho con vận động theo bài hát luôn, giúp con không phải ngồi tại chỗ quá lâu. Mẹ cũng có thể nhảy theo con sẽ vô cùng thú vị đó. Mình đã từng làm điều này những ngày con mình còn học mẫu giáo. Mình cùng hát với con, nhảy với con, thích lắm. Mình còn cùng con cầm ipad quay phim lại, con cầm bên trái ipad, mình cầm bên phải ipad. Hai mẹ con nhìn vào máy và làm theo yêu cầu của con: sad, angry, happy, smile, hungry. Vui vô cùng luôn. Bây giờ mỗi lần xem lại, hai mẹ con lại cười như nắc nẻ vì không nghĩ hồi đó làm mấy cái trò mèo, hahaha. Nhưng đó là cả một bầu trời tuổi thơ của con, cả một vùng kí ức tươi đẹp mà mình chắc chắn con sẽ luôn mang theo bên mình.

Khi học tiếng Anh, nếu mẹ phát âm không chuẩn thì mình nghĩ mẹ không nên làm mẫu đọc cho con nghe và sửa phát âm của con, mà nên cho con đọc theo các từ điển có hướng dẫn phát âm trên mạng. Có thể tuy mình phát âm không chuẩn nhưng nếu được ta cứ giao tiếp bằng tiếng Anh với con và khuyến khích con đáp lại bằng tiếng Anh. Dần dần cả con và mẹ sẽ quen miệng và phản xạ nhanh hơn.

 

Thời gian cho mỗi hoạt động trong giờ học tùy thuộc vào lứa tuổi. Nếu con ở độ tuổi mầm non thì từ 3-5’ là phải chuyển sang hoạt động khác. Còn tiểu học thì có thể là 10’ chuyển hoạt động. Mẹo dành cho các mẹ là trước khi bắt đầu hoạt động nào đó, mẹ cần quy ước luôn với con:À, bây giờ mình sẽ có 5’ cho phần này nhé!”, sau đó mẹ cài đồng hồ luôn. Mẹ sẽ tập trung để hoàn thành bài dạy của mình và con sẽ hướng sự chú ý của mình vào bài học để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qui định. Qua đó, mẹ cũng rèn được cho con kĩ năng giờ nào việc nấy.

Ở mỗi phần kết hoạt động, mẹ cần nắm chắc con có hiểu được cơ bản chưa và luôn hỏi con: “Có phần nào con chưa rõ hoặc con có muốn hỏi mẹ thêm điều gì ở phần này không?”. Điều này vừa giúp mẹ kiểm tra xem mình giảng giải như vậy con có hiểu không, vừa giúp con rèn được kĩ năng hệ thống hóa kiến thức và kĩ năng đặt câu hỏi.

 

Sau mỗi giờ học với con, luôn phải có phần tổng kết và cho con tự nhận xét những điều con đã làm tốt. Lưu ý là con phải tự nhận thấy được mình làm tốt điều gì, một điều thôi cũng được. Vì nó sẽ giúp con hiểu rõ bản thân mình hơn. Mẹ sẽ đồng ý với những điểm con cho là con làm tốt. Vì đó là cách mẹ khen ngợi quá trình con học. Thêm nữa, có thể điều con nhận thấy mình đã làm tốt hơn lại là điều mẹ thấy con làm chưa tốt. Nên việc để con nhận xét trước sẽ giúp mẹ tránh được việc mẹ lỡ lời chê con. Sau đó mẹ sẽ bổ sung thêm góc nhìn của mình vào bằng cách khen con thêm ở những điểm con tiến bộ. Tương tự cũng cho con nhận ra mình chưa làm tốt ở đâu và con cần làm gì để khắc phục điều này vào những lần sau. Khi con tự nêu được những việc con chưa làm tốt, mẹ cũng cần khen ngợi con đã biết nhận ra điều này và động viên con khắc phục ở lần sau. Nếu con không tự tìm ra được, mẹ có thể gợi ý: “Con thấy hôm nay mình làm bài thế nào? Con có hoàn thành đúng thời gian không? Trong lúc học, con đã tập trung được hơn hôm qua bao lâu? Bài viết từ vựng hôm nay con đã ghi nhớ được tất cả bao nhiêu từ? Từ nào con còn viết chưa đúng? Vì sao con viết chưa đùng từ đó?...”

Trên đây là những phần mình đã áp dụng với con nhà mình và học sinh trên lớp. Mình hi vọng góp được một phần nhỏ vào công cuộc dạy con vô cùng khó khăn nhưng lại rất tuyệt vời và ý nghĩa này. Chúc cho hành trình dạy con và đồng hành cùng con của chúng ta thật nhiều kỉ niệm rực rỡ. 


Hà Koala - 28/2/2023

(Ảnh: Pinterest)