ƯU ĐIỂM
HAY HẠN CHẾ?
Khi con bạn đến tuổi đi học, bạn là phụ huynh thuộc trường hợp nào dưới đây:
1. Thường xuyên hoặc định kỳ hỏi thăm giáo viên tình hình của con?
2. Chờ đến khi con có sự thay đổi bất thường mới hỏi thăm giáo viên?
3. Chờ đến mỗi đợt giáo viên nhận xét định kỳ tình hình của con?
4. Chờ đến khi nhận được nhận xét đột ngột của giáo viên?
Hà thuộc trường hợp số 1. Nhưng sở dĩ Hà đặt câu hỏi này vì cách đây 2 tuần, Hà có nhắn tin hỏi thăm cô giáo của con Hà:
Hà: Cô ơi, ở lớp con có dễ tương tác và bắt nhịp với các hoạt động chung của lớp không cô ha?
Cô: Dạ vào lớp thì em hơi thụ động trong các hoạt động vận động đó mẹ. Các hoạt động khác thì em hợp tác và cũng tương tác nhiều với cô và các bạn ạ.
Trường con Hà đang học có sử dụng một cái app để cập nhật tình hình học của con trong ngày để phụ huynh nắm. Có vài lần, Hà đọc được nhận xét thế này:
Con chưa biết cách cầm bút để di màu, còn di màu lem nên cần có sự hỗ trợ của cô.
Con chưa chấm hồ đúng vị trí và dán các họa tiết bị lệch nên con vẫn cần sự trợ giúp từ cô.
Nếu các bạn là Hà trong trường hợp này, các bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nhận được những lời nhận xét đó của cô? Trước tiên, Hà cũng nói thêm, con Hà là một bé gái hiện được 22 tháng tuổi nhé! Và khi nhận được những lời nhận xét đó, đầu tiên là Hà bật cười. Hà cười vì Hà tưởng tượng đến cái dáng vẻ đáng yêu của con Hà khi con làm những việc đó ở lớp, khi con chơi trò chơi vận động, khi con tô màu, khi con dán tranh… Hà cười vì Hà nhớ đến cái dáng vẻ khi con đã từng làm những việc đó khi ở nhà, trông cực kỳ ngộ nghĩnh và thú vị vô cùng. Những nét vẽ nguệch ngoạc, cố gắng bắt chước cách người lớn cầm bút và làm theo, hì hà hì hụi trèo được lên cái giường cao hơn mình và toét miệng cười khi leo được đến nơi trong tiếng vỗ tay của Hà.
Sau khi bật cười xong, Hà bắt đầu liên kết lại các lời nhận xét của cô đến những tấm ảnh và video cô cập nhật cho phụ huynh lớp. Cô nói con thụ động trong các hoạt động vận động thì Hà hoàn toàn đồng ý. Vì khi xem ảnh, Hà thấy rằng đó hoàn toàn là những hoạt động con chưa từng trải qua bao giờ. Đó là nhảy qua vòng, đi vượt chướng ngại vật, bò theo đường zigzag… Hà biết đó là những trò chơi vận động giúp trẻ phát triển khả năng vận động tinh nhưng trẻ con ấy mà, chúng thật sự chỉ cảm thấy tự tin khi đó là thứ chúng cảm thấy an toàn. Người lớn chúng ta cũng thế mà thôi. Thêm nữa, con Hà là học sinh nhỏ tháng nhất trong lớp. Bạn gần tháng nhất với con cũng lớn cách con 3 tháng. Vì thế, khi ở trong một lớp học với những bạn lớn hơn, cô giáo sẽ dễ dàng thấy ngay điều đó khi so sánh con với các bạn khác. Do đó, Hà đồng ý với nhận xét của cô chứ không đồng tình. Vì một khi cô nhận xét con thụ động tức là cô đang so sánh con với các bạn khác. Thêm một lý do Hà không đồng tình đó chính là Hà đã quan sát con và Hà hiểu con mình. Những lần Hà cho con xuống công viên nội khu chơi, con Hà chơi rất hăng với các bạn và các anh chị khác nên con không phải là một đứa trẻ thụ động. Mà “thụ động” là gì? Là việc không tự giác thực hiện bất cứ việc gì khi có thể mà luôn đợi sự tác động từ bên ngoài. Thậm chí, khi có sự tác động từ bên ngoài họ vẫn chỉ làm cho xong chứ không hề có sự đầu tư nào. Nếu theo định nghĩa này thì lại càng không đúng với con Hà. Con đi học về là biết tự xếp giày ngay ngắn lên kệ, tự biết lấy quần áo bẩn trong balo bỏ vào sọt quần áo giặt, biết trước khi đi ăn là phải rửa tay, biết mở cửa nhà khi thấy bố chuẩn bị đi đổ rác, … Tuy vậy, từ việc nhận xét này, Hà có thêm thông tin để có thể hỗ trợ con tại nhà. Mặc dù con chưa biết nói nhưng bản năng của một người mẹ, Hà hiểu được con sợ điều gì. Hà bày trò cho con chơi, tăng dần mức độ khó của một một số trò chơi, khuyến khích con để con dám thử sức mình và cảm nhận được niềm vui qua ánh mắt, qua nụ cười của con khi vượt qua được thử thách đó.
Việc thứ hai Hà chưa đồng tình đó là cách cô nhận xét về con. Con chỉ mới là một đứa trẻ 22 tháng tuổi thì làm thế nào có thể tô màu thành thạo và đều màu, con cầm chai hồ còn chưa xong thì làm sao mà dán đúng vị trí được. Nhiều khi cả một học sinh lớp 2, lớp 3 còn chưa làm được điều đó. Nhưng sau đó là gì? Tức là Hà hiểu được à ở trường con đang được học đến kĩ năng này này. Vậy thì mình sẽ cùng con ở nhà thực hiện những điều đó để con dần dần thành thạo hơn.
Hà kể với các bạn câu chuyện này vì hai lý do:
1.Thứ nhất: Ở góc độ của một người giáo viên
Vì Hà cũng là giáo viên, thời gian con ở trên lớp còn nhiều hơn con ở nhà với gia đình (nếu con học bán trú). Do đó, với mỗi lời nhận xét của mình, giáo viên cần cân nhắc lựa chọn chính xác câu chữ. Hãy nghĩ rằng mỗi lời nói ra của mình đều có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của một đứa trẻ. Vì thế, khi trao đổi với phụ huynh, giáo viên trước khi đưa ra lời nhận xét cần phải quan sát sự tiến bộ, sự thay đổi của chính học sinh đó qua từng giai đoạn và so sánh với khung chuẩn chung của chương trình chứ không so sánh với các học sinh khác.
Nếu em học sinh đó có những thay đổi bất thường, cần trao đổi trên tinh thần cùng phụ huynh tìm hiểu lý do, nguyên nhân chứ tránh đưa ra kết luận. Ví dụ:
Thay vì nói: “Hôm nay đã là ngày thứ ba con không làm bài tập về nhà. Nhờ mẹ nhắc nhở con thêm.”
Thì hãy nói: “Dạo gần đây, ở nhà con có việc gì không mẹ vì mấy hôm nay cô thấy con chưa hoàn thành đầy đủ bài tập đó mẹ ơi?”
Như lời nhận xét trên của cô giáo con của Hà, Hà có thể hiểu được. Tâm lý của phụ huynh ấy, khi xem một bài làm hay một sản phẩm của con, đa phần họ thường mong muốn đó là một sản phẩm hoàn hảo. Do đó, nếu khi giáo viên cho con mang về một sản phẩm chưa hoàn thiện thì sợ phụ huynh sẽ trách này nọ, rồi nghĩ sao cô không giúp con mà để con có bài làm như thế? Hà đã từng gặp nhiều phụ huynh như thế. Vì thế, cô nhận xét như thế để phụ huynh khi thấy bài của con chưa đẹp thì cũng có thể hiểu được lý do.
Thế nhưng, trong trường hợp này, Hà nghĩ giáo viên cần ghi nhận sự nỗ lực của con nhiều hơn. Ví dụ, cô có thể nhận xét như sau: “Với sự hỗ trợ từ cô, con đã rất cố gắng trong việc cầm bút di màu để hoàn thành sản phẩm của mình.”
2.Thứ hai: Ở góc độ của một phụ huynh.
Khi tiếp nhận lời nhận xét của cô, dù đó là khen hay chê thì phụ huynh cần tỉnh táo và hỏi lại cho rõ. Nếu đó là lời khen thì cần nắm được vì sao con được khen? Con đã làm tốt ở mảng nào để được cô nhận xét như thế? Và dựa vào đó, chúng ta có thể nắm bắt được, con đang có thế mạnh gì để tiếp tục bồi dưỡng cho con. Còn nếu là lời phê bình thì lại càng bình tĩnh hơn. Ngoài việc hỏi rõ giáo viên lý do, phụ huynh cũng phải dựa vào những biểu hiện của con khi ở nhà để xem lời nhận xét của giáo viên có hợp lý không? Thậm chí, cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con nữa để có thể hiểu được vì sao con làm như vậy. Mà muốn như thế, cha mẹ cần dành thời gian chất lượng với con tại nhà, quan sát và theo dõi những chuyển biến của con dù là nhỏ nhất. Điều này không có nghĩa là cha mẹ phải giám sát con 24/24 mà là qua những tương tác cùng con khi ở nhà, cách con nói chuyện, cách con học tập, cách con làm việc nhà để hiểu con hơn.
Qua những lời nhận xét của giáo viên, cha mẹ sẽ nhận ra con đang cần rèn luyện thêm ở kĩ năng nào và hãy dành thời gian hỗ trợ con tại nhà để kĩ năng đó được thuần thục. Hãy chủ động liên hệ với giáo viên để nắm chắc được các kĩ năng và yêu cầu con bạn cần đạt ở mỗi giai đoạn là gì để có thể vừa đồng hành cùng con, vừa đồng hành cùng giáo viên trong việc giúp con tiến bộ. Theo Hà, ít nhất 2-3 tuần một lần, cha mẹ cần chủ động trao đổi với giáo viên để nắm tình hình của con. Nhưng chú ý liên hệ trong giờ hành chính vì giáo viên sau giờ này, họ cũng có cuộc sống riêng của họ.
Mỗi thay đổi của một đứa trẻ đều có những nguyên nhân đằng sau đó. Dù là cha mẹ hay là giáo viên cũng cần tìm ra được lý do này. Bởi vì: “Mỗi một đứa trẻ đều cần ít nhất một người lớn tin tưởng chúng.”
Hà Koala - 10/06/2023
(Ảnh: Pinterest)